Việc Mỹ đưa tàu chiến tới tuần tra gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông có thể sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Đây sẽ là một bài kiểm tra đối với lời hứa mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cách đây chưa lâu rằng Bắc Kinh không có ý định “quân sự hóa” những hòn đảo này.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Theo tờ Wall Street Journal, nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cam kết nói trên trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng hồi tháng trước. Khi đó, giới chức Mỹ đã ngạc nhiên trước tuyên bố này của ông Tập, dù ông không nói cụ thể lời hứa này có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của Trung Quốc tại khu vực có tranh chấp trên biển Đông.
Nếu mục đích của ông Tập khi hứa như vậy là khiến Mỹ từ bỏ ý định tuần tra gần loạt đảo nhân tạo, thì có vẻ ông đã không thành công - bài báo nhận định.
Sau nhiều tháng bàn thảo, Chính phủ Mỹ đã đi đến sự đồng thuận là Hải quân nước này sẽ cử tàu chiến hoặc máy bay đi vào khu vực giới hạn 12 hải lý kể từ những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở khu vực này, Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Hôm 11/10, một quan chức Mỹ xác nhận đã có quyết định tiến hành những cuộc tuần tra như vậy, nhưng chưa rõ thời điểm và địa điểm cụ thể. “Việc tuần tra này chỉ còn là vấn đề thời gian”, vị quan chức nói.
Một vị quan chức khác thì nói rằng cuộc tuần tra đầu tiên có thể diễn ra trong vài ngày tới.
Một câu hỏi đặt ra lúc này là trước thông tin như vậy, liệu Trung Quốc sẽ kiềm chế các kế hoạch phát triển đảo nhân tạo, hay đi ngược lại cam kết không quân sự hóa những hòn đảo này và cáo buộc các cuộc tuần tra của Mỹ là hành động gây hấn.
Theo nguồn tin thân cận, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã sẵn sàng tiến hành “các cuộc tuần tra tự do hàng hải”, gọi tắt là Fonops, xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông từ trước trong năm 2015 này. Tuy vậy, kế hoạch bắt đầu tuần tra có vẻ bị trì hoãn để tránh gây căng thẳng cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.
“Fonops có thể cho Trung Quốc một cơ hội khẳng định rằng Mỹ là quốc gia ‘quân sự hóa’ biển Đông. Và nếu Trung Quốc muốn, cuộc tuần tra của Mỹ sẽ tạo cho Trung Quốc cái cớ để tiếp tục quân sự hóa hoặc phát triển các thực thể mà họ đã chiếm giữ”, chuyên gia Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nhận định.
Trong cuộc hội đàm kín với ông Obama tại Nhà Trắng, ông Tập không đưa ra lời hứa nào về không quân sự hóa đảo nhân tạo, theo nguồn tin thân cận. Sau cuộc họp báo mà ông Tập bất ngờ đưa ra lời hứa này, giới chức Mỹ cũng không có thời gian để làm rõ với phía Trung Quốc về ý nghĩa của từ “quân sự hóa” mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra.
Từ đó đến nay, phía Mỹ vẫn đang nỗ lực đề nghị Bắc Kinh làm rõ vấn đề này, và họ không cho rằng ông Tập nói nhầm.
Khi được hỏi về lời hứa của ông Tập, phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận, nhưng nhắc lại tuyên bố của ông Obama tại cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo rằng “tàu và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về lời hứa của ông Tập. Tuy vậy, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh “rất quan ngại” về thông tin nói Mỹ có thể bắt đầu tuần tra gần đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã tổ chức 6 cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông, bao gồm 3 lần tuần tra xung quanh Trường Sa. Tuy nhiên, từ năm 2012 tới nay, tàu Mỹ chưa khi nào tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh cách bãi và đá mà Trung Quốc xây trái phép đảo nhân tạo - theo giới chức Mỹ.
Việc đi vào khu vực 12 hải lý là quan trọng, bởi theo Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS), các quốc gia mà có chủ quyền đối với các hòn đảo và đá hình thành tự nhiên có chủ quyền lãnh hải đối với vùng biển trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo và đá đó.
Tuy nhiên, quy định này UNCLOS không áp dụng đối với những bãi và chìm và nửa nổi nửa chìm, cho dù những bãi và đá đó được biến thành đảo nhân tạo nhờ khai hoang.
(Theo VnEconomy)
Ý kiến bạn đọc