(VnMedia) - Tàu ngầm hạt nhân Smolensk của Nga vừa tiến hành phóng thành công một quả tên lửa hành trình, bắn trúng một mục tiêu giả định trên Biển Barents.
“Từ một vị trí dưới mặt nước, tên lửa Granit đã được phóng đi nhằm vào một mục tiêu phức hợp trên biển ở khoảng cách khoảng 400 km”, người phát ngôn của Hạm đội phương Bắc cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Mục tiêu đã bị phá hủy thành công”.
Vụ phóng được tiến hành trong chương trình tập trận tác chiến được lên kế hoạch từ trước.
Tư lệnh Hạm đội phương Bắc - Phó Đô đốc Nikolai Yevmenov cho biết, thủy thủ đoàn của tàu đã thể hiện được sự chuyên nghiệp và các kỹ năng hải quân rất tốt trong vụ phóng.
Smolensk là tàu ngầm lớp Oscar II thuộc Đề án 949A, được khởi đóng từ năm 1990.
Được trang bị 24 tên lửa hành trình P-700 Granit tầm bắn 625 km, tàu ngầm lớp Oscar của Liên Xô là mối đe dọa thực sự với tàu sân bay Mỹ.
Dựa trên tàu ngầm tên lửa hành trình thế hệ ba, Đề án 949 Granit được Liên Xô phát triển giữa thập niên 1970. Đây là loại tàu có thiết kế hai lớp, trong đó vỏ chính bên trong chứa khoang thủy thủ đoàn và các hệ thống trên tàu. Vỏ ngoài bằng thép mỏng để bảo đảm hình dáng thủy động lực học, giảm sức
Tàu ngầm lớp Oscar có kích cỡ lớn để mang vũ khí hạng nặng. Với chiều dài 154 m, lượng giãn nước 12.500 tấn khi nổi, đây là loại tàu ngầm lớn thứ tư từng được chế tạo trong lịch sử. Tàu đạt vận tốc tối đa cản của nước theo tiêu chuẩn đóng các tàu ngầm cỡ lớn của nước này.là 60 km/h khi lặn, độ sâu tối đa tới 500 m.
Dù có tốc độ lặn chậm, khả năng cơ động thấp, tàu ngầm lớp Oscar có thể phóng tới 24 tên lửa hành trình P-700 Granit (NATO định danh: SS-N-19 Shipwrecks) có uy lực diệt hạm rất lớn.
Mỗi quả tên lửa P-700 dài 10 m, nặng 8 tấn, tầm bắn 62 km và vận tốc hành trình gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh (3.087 km/h). Tên lửa được dẫn đường bằng vệ tinh, thông qua một ăng ten gắn trên thân. Trong trường hợp khai hỏa đồng loạt, chúng có thể kết nối qua đường truyền dữ liệu (datalink) để chia sẻ thông tin mục tiêu, giúp tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau.
P-700 thường sử dụng đầu nổ mạnh (HE) nặng 750 kg. Ngoài ra, nó có thể trang bị đầu đạn hạt nhân có sức công phá 500 kiloton, tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT.
So với tuần dương hạm hạng nặng lớp Kirov và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tàu ngầm Oscar khó bị phát hiện hơn. Nó còn có khả năng phóng tên lửa từ dưới lòng biển mà không sợ bị tấn công trả đũa.
Tàu ngầm Oscar còn được trang bị hệ thống vũ khí tầm ngắn, bao gồm 4 ống phóng cỡ 533 mm cho tên lửa chống ngầm RPK-2 (NATO định danh: SS-N-15 Starfish), hai ống phóng cỡ 650 mm cho đạn RPK-6/7 (NATO định danh: SS-N-16 Stallion) nhằm diệt mục tiêu ở khoảng cách 101 km. Cả hai loại vũ khí này có thể dùng đầu đạn ngư lôi thông thường hoặc hạt nhân.
Hải quân Nga đang vận hành 7-8 tàu ngầm lớp Oscar trong biên chế hạm đội Biển Bắc và Thái Bình Dương. Tàu ngầm tàng hình Đề án 885 Yasen (NATO định danh: Severodvinsk) trong tương lai sẽ thay thế lớp Oscar trong vai trò diệt tàu sân bay.
Quân đội Nga đã tuyên bố sẽ nâng cấp ít nhất ba tàu ngầm theo thiết kế Đề án 949AM vào năm 2020, với mức giá 180 triệu USD/chiếc. 24 tên lửa P-700 lạc hậu sẽ được thay thế bằng 72 tên lửa P-800 Oniks hoặc Kalibr. Hệ thống định hướng, tác chiến thông tin và thiết bị cảm biến mới cũng sẽ được bổ sung.
Dù không sở hữu công nghệ tàng hình tối tân, nhưng lớp Oscar vẫn là công cụ răn đe hiệu quả từ khoảng cách xa với các tàu mặt nước quý giá của Mỹ, chuyên gia Roblin nhận định.
Được biết, tổng cộng 13 chiếc tàu ngầm lớp Oscar đã được chế tạo cho Hải quân Nga từ năm 1975 đến 1996.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc