Đối thủ Trung Quốc "ẵm trọn" tên lửa khủng của Nga

16:12, 02/06/2017
|

(VnMedia) - Nga và Ấn Độ hiện đang đàm phán các điều khoản thực thi hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho New Delhi. Đó là thông tin vừa được Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đưa ra hôm qua (1/6).

Theo ông Rogozin, các nội dung đàm phán lần này gồm có số lượng chính xác tên lửa được bàn giao cùng các nội dung khác liên quan đến hợp đồng.

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF), Phó Thủ tướng Nga cho biết: “Những công việc chuẩn bị cho hợp đồng hiện đang diễn ra. Chúng tôi đã đạt được sự hiểu biết chung về vấn đề này và sẽ có một thỏa thuận liên chính phủ, hiện tại các điều khoản đang được thảo luận như việc bàn giao sẽ như thế nào. Hợp đồng đã bắt đầu được soạn thảo và hy vọng sẽ sớm hoàn tất”.

Hồi tháng 10/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được thỏa thuận chung về việc bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.   

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
 
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
 
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
 
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
 
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
  
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
 
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc