Theo cáo trạng, từ năm 2013 - 2014, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh (tập đoàn của Danh) sử dụng 29 lượt do Phạm Công Danh hoặc mượn pháp nhân lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV. Đồng thời, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi hơn 6.600 tỉ của VNCB sang gửi thị trường 2 tại 3 ngân hàng này và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó, để Danh sử dụng.
Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.
Cụ thể, Phạm Công Danh và Trầm Bê có mối quan hệ quen biết. Cả hai bị can đều biết rõ Danh không được phép vay tiền tại VNCB.
Do đó, Danh đã được Trầm Bê và Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) giúp sức trong việc rút tiền của VNCB thông qua việc gửi tiền của VNCB vào Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.
Đến khi 6 công ty của Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này. Như vậy, dù Sacombank không bị thiệt hại trong việc cho vay nhưng sự giúp sức của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp Phạm Công Danh rút tiền của VNCB gây thiệt hại cho VNCB.
Tại ngân hàng TPBank, Phạm Công Danh và đồng phạm còn sai phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trung Dung (gọi tắt là Công ty Trung Dung) do ông Danh thành lập, điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.
Đối với hành vi cố ý làm trái của ông Danh xảy ra tại BIDV, ông Danh cũng đã dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do ông thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.
Để lập các công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, ông Danh nhờ nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, nhân viên rửa xe, bảo dưỡng xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên làm giám đốc công ty.
Trong giai đoạn 1 của vụ án này, Phạm Công Danh và 14 bị cáo khác đã bị cơ quan tố tụng xác định gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Theo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc