(VnMedia) - Sáng 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Các luật được công bố gồm: Luật Lâm Nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công; Luật quy hoạch; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Một số luật được công bố có nhiều điểm mới đáng chú ý như:
Luật Lâm nghiệp năm 2017: gồm 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Đây là Luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân, đặc biệt những người làm nghề rừng.
So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Lâm nghiệp đã quy định một số nội dung mới như đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết chuỗi các hoạt động lâm nghiệp; thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp 2013; quy định quản lý rừng bền vững; quy định cụ thể về giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, tổ chức quản lý rừng, điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và cơ sở dữ liệu rừng; quy định chặt chẽ việc quản lý rừng tự nhiên;…
Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Luật Thủy sản năm 2017: So với Luật Thủy sản 2003, Luật Thủy sản 2017 giảm 1 chương và tăng 43 điều, về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, trong đó có một số thay đổi về kết cấu như bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Bỏ 2 chương về hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; khen thưởng và xử lý vi phạm.
Luật có các nội dung mới như: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; các quy định về cấp phép khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;…
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Luật quy hoạch: Với bố cục gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục. Luật Quy hoạch có các quy định cụ thể liên quan đến hệ thống quy hoạch và mối liên hệ giữa các loại quy hoạch; nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch; nội dung quy hoạch; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch; trách nhiệm quản lý nhà nước và thông tin quy hoạch;…
Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch...
Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.
Luật Quản lý nợ công: gồm 10 chương với 63 điều, được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009. Luật Quản lý nợ công là sự kế thừa những ưu điểm, những mặt tích cực của các quy định tại Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã được áp dụng ổn định, đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thời gian qua; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan.
Luật phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất về nợ công, giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất, tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân. Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.
Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng: Luật gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 32 điều; bổ sung mới 28 điều; Điều 2 là về điều khoản thi hành và Điều 3 là các quy định chuyển tiếp.
Luật bổ sung quy định về áp dụng biện pháp can thiệp sớm để xử lý sớm tổ chức tín dụng có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt nhằm hạn chế tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yếu kém mới phát sinh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài: nội dung chỉ quy định sửa đổi, bổ sung với 11 điều trong tổng số 36 điều của Luật Cơ quan đại diện hiện hành.
Luật được ban hành nhằm mục đích triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quy định mới của Đảng về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Cơ quan đại diện năm 2009, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng và toàn diện trong giai đoạn hiện nay.
Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc