Xử lý thế nào giúp việc bạo hành dã man bé hơn 1 tháng tuổi

20:50, 23/11/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, hành vi bạo hành cháu bé hơn 1 tháng tuổi của nữ giúp việc tại Hà Nam có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Bé gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành. Ảnh cắt từ clip
Bé gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành. Ảnh cắt từ clip

Trước đó, ngày 22/11, mạng xã hội Facebook đăng tải một loạt clip và hình ảnh ghi lại cảnh một nữ giúp việc tên N. đang bạo hành dã man bé gái mới chỉ một tháng 17 ngày tuổi. Sự việc được cho là xảy ra tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý, Hà Nam.

Chị P. (26 tuổi), người đăng tải clip và cũng là mẹ bé gái, viết: “Xem trên mạng nhiều, mình không thể tin nổi nhưng hôm nay rơi vào chính gia đình mình! Bé nhà mình vừa sinh được một tháng 17 ngày. Cứ khi nào mình ra khỏi nhà, bà ấy tra tấn con bé. Mình mới chỉ quay lại tạm clip này và còn rất nhiều video khác sẽ đăng sau. Đau lòng, xót xa quá".

Theo hình ảnh trong các đoạn clip cho thấy người giúp việc đã có nhiều hành động bạo lực đối với bé gái như dùng tay bóp miệng, đánh vào lưng, tát vào mặt, liên tục tung lên cao...

Ngay sau khi được đăng tải, những đoạn clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dân mạng và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Đa số bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi tàn bạo của người phụ nữ giúp việc đối với cháu bé.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 cũng quy định: "Các hành vi bị nghiêm cấm: Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác".

Theo luật sư Thơm, để xem xét hành vi phạm tội của người giúp việc thì cần căn cứ vào tính chất mức độ và hậu quả mà người phụ nữ đó đã gây ra cho cháu bé.

Nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định cháu bé không bị thương tích thì hành vi phạm tội của đối tượng cấu thành Tội hành hạ người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự.

"Đối với trường hợp vụ việc ở Hà Nam, người giúp việc hành hạ bé 2 tháng tuổi nên nếu bị khởi tố sẽ có thêm tình tiết tăng nặng là ‘phạm tội với trẻ em’. Kết quả giám định thương tật của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xử lý đối tượng tương ứng theo quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Trường hợp tỷ lệ thương tật là dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em nên đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật", luật sư Thơm nói.

Theo hành vi bạo hành cháu bé hơn 1 tháng tuổi thì nữ giúp việc tên N. có thể phải chịu hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Liên quan đến vụ việc, Trung tá Lê Đức Tùng, Trưởng Công an TP Phủ Lý cho biết, hiện Công an TP và VKSND cùng cấp đang phối hợp xác minh, điều tra làm rõ.

Điều 110. Tội "Hành hạ người khác"

1- Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người’

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc