Ba kiến nghị của Bộ Công an để tăng cường hiệu quả phòng, chống tội phạm

06:07, 07/11/2017
|

(VnMedia) - Để hỗ trợ tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất trước Quốc hội...

Ngày 6/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày tóm tắt Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Báo cáo trước Quốc hội.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Bộ CA

Tội phạm có xu hướng phức tạp và nghiêm trọng

Theo báo cáo, trong năm 2017 lực lượng Công an đã triệt phá 3.736 băng nhóm tội phạm; tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm về trật tự xã hội là 83%; riêng các vụ việc rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 91,69%; bắt và vận động đầu thú hơn 7.916 đối tượng truy nã; số đối tượng truy nã đạt 3,81%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về nâng cao chất lượng công tác điều tra, các Cơ quan điều tra các cấp luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm và trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.

Công tác tiếp nhận, phân loại và quản lý tạm giam, tạm giữ được tiến hành chặt chẽ, đảm bảo quyền con người theo đúng yêu cầu của pháp luật. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động điều tra được quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần hạn chế khiếu kiện đông người (giảm hơn 20% lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo).

Bộ trưởng Tô Lâm nhận định: Dự báo năm 2018 tình hình tội phạm có xu hướng phức tạp và nghiêm trọng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, vi phạm pháp luật còn xảy ra nhiều nếu không có biện pháp quyết liệt.

Do đó, 10 giải pháp thực hiện đã được đưa ra, bao gồm: Xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của ngươi đứng đầu; phát huy sự tham gia của toàn dân với nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Bám sát tình hình trong nước và thế giới, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò của các đoàn thể, hội trong đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Kiểm tra, rà soát, khắc phục những bất cập, thiếu sót, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tiếp tục các đợt cao điểm tấn công tội phạm, không để tội phạm lộng hành, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; tăng cường kỳ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các vi phạm tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức...

Ba kiến nghị để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm

Để hỗ trợ tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm, Bộ trưởng Bộc Công an Tô Lâm đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất:

Thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi)...

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác giám sát với các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ phòng, chống pháp luật và vi phạm pháp luật.

Thứ ba: Quan tâm bố trí nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên phê duyệt, phân bổ kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc