(VnMedia) - Theo quan điểm của Luật sư, trong vụ án Trịnh Xuân Thanh cần thiết phải giảm nhẹ hình phạt sau này khi xét xử. Vì việc đầu thú là này là hoàn toàn tự nguyện, mặc dù có điều kiện để bỏ trốn không quay về Việt Nam...
Ngày 31/7, Bộ Công an cho biết nghi can Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) đã ra đầu thú tại trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.
Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), trong thời gian tại vị đã để công ty thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng 3/2017, sau khi xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xay ra ở dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội Tham ô tài sản để điều tra hành vi tham ô tài sản của Trịnh Xuân Thanh.
Với việc ra đầu thú, liệu Trịnh Xuân Thanh có được giảm nhẹ hình phạt?
Trao đổi với VnMedia về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Mục 7, Phần I Công văn số 81/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn khái niệm “đầu thú” giải thích như sau: "Đầu thú" là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp đầu thú: Theo quy định tại các tình tiết giảm nhẹ TNHS qui định tại Khoản 1 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 không có qui định đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không có quy định đầu thú là tình tiết giảm nhẹ, nhưng khoản 2 điều 46 có quy định: “Khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.
Như vậy việc người phạm tội đầu thú có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Đến nay chưa có văn bản pháp quy nào hướng dẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội đầu thú. Do đó để hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ đảm bảo cho việc áp dụng các quy định một cách thống nhất, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể trong Công văn số 81/2002 như sau:
Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.
Tuy nhiên, cần chú ý là, trong trường hợp này, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.
Luật sư Thơm cho biết, trên thực tế, trong quá trình hành nghề luật sư tham gia bào chữa cho nhiều bị cáo tại phiên tòa về các tội đặc biệt nghiêm trọng có mức hình phạt lên đến tử hình thì dù Bị can, bị cáo có được hưởng tình tiết giảm nhẹ đầu thú được qui định tại Khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 và một số các tình tiết giảm nhẹ khác được được qui định tại Khoản 1 Điều 46 BLHS như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường khắc phục một phần hậu quả, gia đình có công với Cách mạng.... nhưng xét tính chất hành vi và hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, dù bị cáo có nhiều tinh tiết giảm nhẹ nhưng xét thấy không còn khả năng giáo dục và cần thiết loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội... Trừ các trường hợp giảm nhẹ đặc biệt mới có thể được giảm án tử hình xuống mức tù chung thân như: con liệt sỹ, bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...hoặc 01 số trường hợp tội phạm về kinh tế theo tinh thần BLHS 2015 đã khắc phục được phần lớn tiền tham ô ....
"Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh cần thiết phải giảm nhẹ hình phạt sau này khi xét xử", luật sư Thơm bày tỏ quan điểm.
Vì theo vị luật sư này, việc đầu thú là này là hoàn toàn tự nguyện, mặc dù có điều kiện để bỏ trốn không quay về Việt Nam. Và việc đầu thú này sẽ giải quyết cơ bản vụ án và các đối tượng liên quan đkhác trong nỗ lực quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua liên quan đến các sai phạm trong vụ án Trinh Xuân Thanh.
"Với truyền thống dân nhân đạo của dân tộc "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại" nên việc đầu thú của Trịnh Xuân Thanh là việc làm cần được ghi nhận. Điều quan trọng hơn sau này, việc đầu thú của Trịnh Xuân Thanh có thể hiện sự ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả gây ra như thế nào, giúp đỡ các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết vụ án...", luật sư Thơm nói.
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc