Đại án kinh tế tại Oceanbank: Kỷ lục về số người tham gia tố tụng

07:03, 25/08/2017
|

(VnMedia) - Trong phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm vào 28/8 tới sẽ có 727 người được triệu tập tham gia tố tụng. Đây là con số kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng được TAND TP Hà Nội triệu tập từ trước đến nay.

Hơn 700 người tham gia phiên tòa

Hà Văn Thắm tại phiên tòa hồi tháng 2
Hà Văn Thắm tại phiên tòa hồi tháng 2

Theo kế hoạch, ngày 28/8/2017, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (SN 1972, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương – Oceanbank) cùng các đồng phạm.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 20 ngày, với 727 người được triệu tập tham gia tố tụng. Đây là con số kỷ lục về số lượng người tham gia tố tụng được TAND TP Hà Nội triệu tập từ trước đến nay.

Hiện tại, đã có 50 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo; trong đó, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn  (nguyên TGĐ Oceanbank, nguyên CT HĐTV PVN - là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Ngân hàng).

Do tính chất phức tạp của vụ án nên phiên tòa, ngoài HĐXX chính thức 5 người, gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân, TAND TP. Hà Nội còn bố trí thêm 1 thẩm phán dự khuyết và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết; bên cạnh 2 kiểm sát viên của VKSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố chính thức tại Tòa, còn có 1 kiểm sát viên dự khuyết.

Có 51 bị cáo bị đưa ra xét xử (phiên tòa sơ thẩm lần 1 có 48 bị cáo bị đưa ra xét xử). Các bị cáo bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 278 - BLHS, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 179 - BLHS, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 280 - BLHS và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - BLHS.

Trong số 51 bị cáo, có 7 bị cáo bị tạm giam và 44 bị cáo đang được tại ngoại.

Trước đó, ngày 27/2, TAND Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Đến ngày 8/3, HĐXX cấp sơ thẩm đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án vì cho rằng, còn nhiều điểm không thể làm rõ.

Theo cáo buộc, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Nguyên nhân do vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank, ban TGĐ Oceanbank trong các thời kỳ, lãnh đạo các khối nghiệp vụ từ hội sở đến chi nhánh.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank là chủ mưu

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu, có hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hành vi này của Thắm được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.

Hà Văn Thắm bị cáo buộc đã cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, cựu TGĐ Oceanbank) đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá hình thức thu phí của khách hàng thông qua công ty con BSC trái quy định của NHNN, để trả lãi suất ngoài hợp đồng trên số tiền gửi của PVN tại Oceanbank. Hành vi này của các bị can gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 69 tỷ đồng.

Với vai trò chủ mưu, Hà Văn Thắm đã chủ trương chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank. Hành vi của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm đã cố ý làm trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ và USD theo từng thời kỳ. Hành vi này của các bị cáo gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Được xác định là người chủ mưu, có thủ đoạn tinh vi cùng sự tiếp tay của nhiều người dẫn đến hậu quả là gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ.

Theo kết luận điều tra bổ sung vừa qua của cơ quan CSĐT, Bộ Công an, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản.

Kết luận điều tra bổ sung nêu rõ, trong quá trình điều tra vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã điều tra mở rộng và phát hiện, ngoài những nội dung sai phạm pháp luật đã làm rõ, còn có những hành vi vi phạm như: Hành vi liên quan việc góp vốn, gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào Oceanbank (tương đương 20% vốn điều lệ của Oceanbank).

Hành vi của những cá nhân liên quan tại các tổ chức kinh tế gửi tiền và nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ Oceanbank, trong đó có một số tổ chức kinh tế lớn, nhiều vốn Nhà nước đã nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Hành vi liên quan đến các khoản vay của 8 khách hàng gồm công ty TNHH bất động sản TNN; công ty CP BSC Việt Nam; công ty CP Đầu tư và tư vấn tài chính Liên Việt; công ty CP Tập đoàn Vina Megastar; công ty CP Nam Dinh; công ty CP sân Golf Ngôi sao Chí Linh; công ty CP Đầu tư Toàn Việt và công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà) với tổng dư nợ gốc hơn 1.785 tỷ đồng (nợ nhóm 5) tại Oceanbank.

Hành vi tạo dựng 45 hợp đồng khống ký với 20 đối tác để rút tiền sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 117 tỷ đồng bằng việc sử dụng tài khoản Vũ Thị Thùy Dương, Giám đốc khối kế toán để hoàn ứng các khoản chi phí của Oceanbank.

Vì thời hạn điều tra đã hết nên ngày 24/5/2017, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự để tách các hành vi này tiếp tục điều tra, xử lý trong giai đoạn 2 của vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc