Trong tháng 7/2017, trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra 58 vụ cháy, làm 6 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản trị giá 66,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo tuyên truyền của cảnh sát PCCC Hà Nội, trong tháng 7/2017, xảy ra 58 vụ cháy, trong đó: cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng 02 vụ, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng 01 vụ, cháy trung bình 15 vụ, cháy nhỏ 40 vụ. Ngoài ra còn xảy ra 59 vụ chập điện trên cột, 15 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Thiệt hại về người: 06 người chết, 01 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá 66,5 tỷ đồng.
|
Vụ cháy ở Hoài Đức ngày 29/7 đã khiến 8 người thiệt mạng, 2 người bị thương nặng. Ảnh: Minh Sang |
Trong nội thành xảy ra 43 vụ (chiếm 73,7% số vụ cháy), trong đó: Q.Hoàn Kiếm 04 vụ, Q.Ba Đình 04 vụ, Q.Đống Đa 06 vụ, Q.Cầu Giấy 02 vụ, Q.Nam Từ Liêm 04 vụ, Q.Bắc Từ Liêm 03 vụ, Q.Hoàng Mai 03 vụ, Q.Thanh Xuân 05 vụ, Q.Hai Bà Trưng 07 vụ, Q.Hà Đông 01 vụ, Q.Long Biên 04 vụ.
Ngoại thành xảy ra 15 vụ (chiếm 26,3% số vụ cháy), trong đó: H.Gia Lâm 03 vụ, H.Đông Anh 02 vụ, H.Thanh Trì 02 vụ, H.Mê Linh 01 vụ, H.Sóc Sơn 03 vụ, H.Ba Vì 01 vụ, H.Quốc Oai 01 vụ, H.Mỹ Đức 02 vụ.
Cũng theo thống kê, quận Tây Hồ và các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa, Sơn Tây, Phúc Thọ không xảy ra cháy.
Trong tổng cộng 58 vụ cháy: cháy nhà dân 30 vụ, kho xưởng 10 vụ, chung cư - nhà cao tầng 01 vụ, nhà tập thể 02 vụ, phương tiện giao thông 04 vụ, cửa hàng kinh doanh dịch vụ 08 vụ, karaoke 02 vụ, trường học 01 vụ.
Và xuất phát từ những nguyên nhân: sự cố điện 34 vụ, sơ xuất khi sử dụng lửa 11 vụ, sự cố kỹ thuật máy móc 03 vụ, nghi do đốt 01 vụ, đang điều tra 09 vụ.
Khuyến cáo của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội:
1. Đối với các nhà ống, nhà liên kế: Không tồn chứa xăng, dầu, cồn, gas, hóa chất nguy hiểm và các chất dễ cháy, nổ trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu.
2. Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải kín.
3. Việc sử dụng điện phải đảm bảo an toàn, có các thiết bị bảo vệ như: cầu chì, công tắc, cầu dao, rơ le, phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nêôn, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m.
4. Khi sử dụng bàn là, bếp điện,… phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật sử dụng các thiết bị điện; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
5. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
6. Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở ban công của nhà. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khoá; tầng sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh. Nên chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
7. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Mỗi gia đình nên dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học để biết cách sử dụng các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
8. Khi xảy cháy trong hộ gia đình, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người trong nhà biết để mau chóng di chuyển ra ngoài. Khi phải thoát qua khu vực có khói, lửa hãy dùng mặt nạ phòng độc, khăn mềm thấm nước để che chắn mặt, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…
Các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ:
1. Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính (nếu có thể).
2. Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang dây hoặc lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp; tuyệt đối không được nấp trong nhà vệ sinh và nhảy từ tầng cao xuống đất. Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt chùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
3. Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc