(VnMedia) - Theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, người thi hành công vụ gây thiệt hại do lỗi cố ý hay vô ý đều phải hoàn trả bằng lương tháng của người đó...
Ngày 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 12 luật, trong đó có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, gồm 9 chương, 78 điều, bổ sung quy định việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, so với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, luật lần này đã quy định Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường.
“Quy định về việc cấp phát kinh phí bồi thường theo hướng đơn giản, nhanh gọn. Việc cấp pháp kinh phí và chi trả tiền bồi thường chỉ căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường có hiệu lực pháp luật” - Thứ trưởng Lê Tiến Châu cho hay.
Viêc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.
Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.
Người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa hoàn trả
Về trách nhiệm hoàn trả, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, quy định người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại thì đều có nghĩa vụ hoàn trả. Trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, trong tố tụng hình sự, nếu có lỗi vô ý gây thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.
Luật cũng đã tăng mức hoàn trả với tỷ lệ tương ứng mức độ lỗi và số tiền mà Nhà nước đã bồi thường. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30-50 tháng lương của người đó; người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 3-5 tháng lương của người đó.
Ngoài ra, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 bổ sung một số thiệt hại về tinh thần và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp bị thiệt hại về tinh thần so sức khỏe bị xâm phạm.
Đặc biệt, theo quy định của Luật, người bị thiệt hại được tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán ngay được, không cần xác minh. Luật cũng bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại...
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc