'Kiều nữ' dùng 'mác' nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ

08:55, 18/07/2017
|

Trong thời gian công tác tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Luận cấu kết với các đối tượng khác lừa đảo và chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của người dân.

Màn kịch hoàn hảo

Mới đây, đại diện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thị Kim Luận (SN 1991, ngụ TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nguyên nhân viên ngân hàngTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Đắk Nông để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, bà Đỗ Thị Thúy (SN 1974, ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) và bà Phạm Thị Tương (SN 1975, ngụ cùng địa chỉ) tố cáo Nguyễn Thị Kim Luận có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 10 tỷ đồng đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông.

Theo đơn tố cáo của bà Thúy, khoảng giữa năm 2016, biết bà có một căn nhà ở thị xã Gia Nghĩa đang cho thuê nên Luận đến xin thuê ở. Thời điểm này, Luận cho biết, mình hiện đang làm việc tại ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông. Sau một thời gian thuê nhà, mối quan hệ giữa Luận và bà Thúy ngày càng thân thiết.

Ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông, nơi Luận từng công tác.

Khi mối quan hệ đã đến độ tin tưởng, biết bà Thúy chuẩn bị gom tiền để mở cửa hàng kinh doanh ở huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), Luận lên kế hoạch nhằm chiếm đoạt tài sản. Để thực hiện hành vi, Luận nhiều lần hỏi vay tiền của bà Thúy để đáo hạn ngân hàng cho khách hàng đang vay vốn.

Để tạo sự tin tưởng, ngày 23/12/2016, Luận dẫn theo một người phụ nữ tên Thân Thị Diệu (SN 1982, ngụ thị xã Gia Nghĩa) đến nhà bà Thúy hỏi vay 1,4 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng cho BIDV chi nhánh Đắk Nông.

Bà Thúy cho biết: “Khi đó, Luận nói rằng, bà Diệu đang vay của ngân hàng 2,7 tỷ đồng. Đến thời gian trả nợ nhưng bà Diệu vẫn còn thiếu 1,4 tỷ đồng nên cần vay ngắn hạn để đáo hạn. Khi Luận vay tiền, tôi hỏi rõ khi nào sẽ trả lại tiền. Lúc này, Luận khẳng định đã làm hồ sơ của bà Diệu hoàn tất, chỉ cần trả nợ cũ, ngân hàng sẽ cho vay nợ mới. Tin tưởng Luận là nhân viên của ngân hàng BIDV, tôi đã đồng ý cho vay tiền. Luận còn đứng ra bảo lãnh, viết giấy nhận vay 1,3 tỷ đồng của tôi”.

Cũng theo bà Thúy, khi đến ngày trả nợ, bà đã tìm Luận để hỏi về số tiền người này vay trước đó. Tuy nhiên, Luận liên tục đưa ra nhiều lý do để khất nợ. Không chỉ vậy, ngày 4/1/2017, Luận tiếp tục dẫn thêm một người phụ nữ khác tên Nguyễn Thị Lệ Hằng (SN 1984, ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đến tìm bà Thúy và cũng giới thiệu là khách hàng của ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông.

Luận cho biết, bà Hằng đang vay của ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông số tiền 2 tỷ đồng. Đến nay, bà Hằng đã tới thời điểm trả nợ nhưng chỉ có được 600 triệu đồng. Thế nên, bà Hằng cần vay ngắn hạn số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng. Vì quá thân quen với Luận, bà Thúy không một chút nghi ngờ, giao số tiền 1,4 tỷ đồng cho Luận và Hằng. Hai người này cũng viết giấy vay nợ cho bà.

Sự thật đằng sau màn kịch

Chân tướng sự việc bắt đầu hé lộ khi đến thời hạn trả nợ, bà Thúy nhiều lần liên hệ với Luận để đòi lại 2 khoản tiền cho vay nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Lúc này, Luận liên tục đưa ra nhiều lý do để thoái thác việc trả nợ.

Nghi ngờ, bà Thúy bắt đầu tìm hiểu về 2 người phụ nữ mà Luận dẫn đến vay tiền mình. Cuối cùng, bà bàng hoàng phát hiện bà Hằng và bà Diệu không hề vay vốn với ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông với số tiền lần lượt là 2,7 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Cũng trong thời điểm này, bà Thúy nhận được thông tin Luận đã nghỉ việc ở ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông. Biết mình bị Luận lừa, bà Thúy gửi đơn đến công an tố cáo hành vi của nữ nhân viên ngân hàng. Cùng hoàn cảnh, bà Phạm Thị Tương cũng là nạn nhân ăn “quả lừa” của Luận.

Theo bà Tương, năm 2016, trong nhiều lần giao dịch với ngân hàng BIDV chi nhánh Đắk Nông, bà quen biết Luận. Biết nhà bà Tương kinh tế khá giả, Luận nhiều lần liên lạc với bà để vay tiền đáo hạn ngân hàng. Cùng màn kịch cũ, Luận đã tạo được niềm tin với bà Tương.

Trao đổi với PV, bà Tương nghẹn ngào nói: “Trong những lần vay tiền để đáo hạn cho khách hàng, Luận là người trực tiếp đứng ra bảo lãnh và viết giấy vay nợ. Tin tưởng Luận là nhân viên của ngân hàng lớn, có uy tín, tôi đồng ý cho vay. Tất cả số tiền trên được giao bằng nhiều hình thức, giao tiền mặt, chuyển khoản vào các tài khoản của các tổ chức, cá nhân.

Bà Luận khẳng định với tôi rằng, số tiền vay về dùng vào mục đích đáo hạn và sẽ hoàn trả trong thời ngắn khi ngân hàng giải ngân. Không ngờ rằng Luận cấu kết với người khác lừa đảo chiếm đoạt tiền của tôi để sử dụng vào mục đích khác”.

Theo bà Tương, trong thời gian từ tháng 11/2016 - 1/2017, bà Luận đã lừa đảo chiếm đoạt của bà số tiền 6,94 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi lại số tiền nhưng không được, tháng 7/2017, bà Tương làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Luận lên cơ quan pháp luật.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Cường, Giám đốc BIDV chi nhánh Đắk Nông cho biết: “Bà Nguyễn Thị Kim Luận được đơn vị ký hợp hợp đồng lao động ngắn hạn vào tháng 9/2016. Thời điểm nhận vào làm việc, bà Luận được phân công ở phòng Khách hàng doanh nghiệp với nhiệm vụ là giúp việc. Bà Luận không có nhiệm vụ liên quan đến các hồ sơ vay vốn cho khách hàng. Đến ngày 16/3 bà Luận làm đơn xin nghỉ việc và được đơn vị giải quyết đơn.

Sau khi bà Luận nghỉ việc, ngân hàng mới nhận được đơn tố cáo của người dân về việc làm của bà. Hiện Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã trực tiếp đến ngân hàng để làm việc vấn đề liên quan đến đơn tố cáo bà Luận”.

Theo Người đưa tin


Ý kiến bạn đọc