Cháu bé mất tích ở Gia Lâm: Công an lật từng viên gạch nhưng chưa có manh mối

16:22, 25/07/2017
|

(VnMedia) - Trường hợp cháu bé Minh Châu (4 tuổi, ở tổ 5, phường Thạch Bàn, Hà Nội) mất tích bí ẩn cách đây 1 năm, Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng cảnh sát hình sự (Công an Thành phố Hà Nội) cho biết, cơ quan công an đã làm tất cả các biện pháp có thể nhưng chưa tìm được manh mối gì.

“Thậm chí, chúng tôi xin phép nhà dân xung quanh, lật từng viên gạch, bới từng cái rãnh nước nhưng vẫn không tìm thấy bất cứ dấu hiệu gì” - ông Sơn nhấn mạnh.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cũng băn khoăn: Quan sát camera không hề thấy có bất cứ ai ra vào trong thời điểm cháu bé ngồi chơi trước cửa nhà.

Trước đó, khoảng 9h - 10h ngày 22/7/2016, bé Nguyễn Minh Châu chơi một mình ngoài đường gần nhà. Lúc đó, bà của cháu đang phơi quần áo sau nhà. Khi phơi quần áo xong, bà không thấy cháu Châu đâu nữa, chỉ còn lại đôi dép của cháu ở trên đường. Cả nhà hốt hoảng đi tìm nhưng không thấy.

Tại thời điểm mất tích, cháu Nguyễn Minh Châu (4 tuổi), mặc một chiếc váy màu xanh lục, tóc ngắn. Quá lo sợ, một mặt gia đình nhờ cơ quan chức năng, mặt khác tự đi tìm và đăng thông tin cháu bé lên mạng xã hội để nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ tìm kiếm cháu của cộng đồng mạng. Cùng với đó, gia đình cũng đi khắp nơi để tìm kiếm, tuy nhiên, qua một năm, đến nay, cháu bé vẫn bặt vô âm tín.

Liên quan đến tin đồn bắt cóc trẻ con gần đây đang để lại hệ luỵ nặng nề như vụ 2 phụ nữ bán tăm vừa qua. Thượng tá sơn nhấn mạnh, người dân cần bình tĩnh, có vấn đề gì thì cơ quan công an sẽ có trả lời rõ ràng, tránh việc thông tin thất thiệt.

Cháu Nguyễn Minh Châu mất tích bí ẩn cách đây đúng 1 năm
Cháu Nguyễn Minh Châu mất tích bí ẩn cách đây đúng 1 năm

Nạn nhân bị lừa bán quay lại lừa bán người thân

Thông tin về tình hình mua bán người, Thượng tá Sơn cho biết, thông qua các vụ án mà Công an Thành phố triệt phá cho thấy, những thủ đoạn chính tội phạm mua bán người thường hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhiệt trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Chủ yếu, các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết của bị hại ở những vùng nông thôn, những người không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn… để làm quen với nạn nhân rồi dùng những lời nói đường mật, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các động mại dâm trá hình tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài (chủ yếu sang Trung Quốc) để làm gái mại dâm. Theo đó, trong 5 năm gần đây, số vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm 81% tổng số vụ phát hiện, khám phá.

Các đối tượng mua bán người thường có mối quan hệ với số đối tượng là người Trung Quốc (hoặc người Việt Nam đã sang làm ăn, lấy chồng tại  Trung Quốc). Nhiều trường hợp đối tượng trước đây là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc nay quay trở lại Việt Nam dụ dỗ, lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán, đặc biệt có vụ đối tương quay lại  lừa cả người thân, họ hàng bán sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các đối tượng đã sử dụng mạng Internet điện thoại… để lừa gạt học sinh, sinh viên, hay thiết lập các đường dây hoạt động mại dâm dưới hình thức gái gọi qua mạng và tổ chức  các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia với mục đích để bán các nạn nhân hoặc công khai rao bán phụ nữ trên mạng.

Kết quả, trong 3 năm (từ 2015 đến 2017), công an TP đã khám phá 7 vụ (2 vụ mua bán trẻ em, 5 vụ mua bán người), bắt giữ 10 đối tượng, xác định 14 nạn nhân. Số vụ mua bán ra nước ngoài 5 vụ, số vụ mua bán trong nội địa 2 vụ. Mục đích mua bán người: mại dâm 5 vụ, làm vợ người Trung quốc 1 vụ, làm con nuôi 1 vụ.

Về 14 nạn nhân, Thượng tá Sơn cho biết, có 3 nạn nhân là học sinh sinh viên, 9 nạn nhân không có nghề nghiệp, 1 nạn nhân nhỏ dưới 1 tuổi và 1 nạn nhân chưa rõ nghề nghiệp.

Về vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đối với tội phạm mua bán người ở các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người, ông Sơn cho biết, phần lớn đối tượng là người tỉnh ngoài về địa bàn Hà Nội hoạt động lưu động không đăng ký tạm trú hoặc không có nơi ở cố định, gây khó khăn cho quản lý.

Sự phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị chức năng còn chậm, không kịp thời nên rất ít vụ việc nạn nhân được giải cứu tại Việt Nam.

Đối tượng mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng người nước ngoài hoặc đối tượng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài để phạm tội và tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan Công an, do vậy, đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt. Do đó, khi nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân cung cấp thông tin đã gây khó khăn cho việc xác minh, điều tra của cơ quan Công an.

Đây là loại tội phạm ẩn, chỉ khi có bị hại được giải cứu hoặc trốn thoát trở về tố giác với cơ quan Công an thì mới điều tra làm rõ được đối tượng để truy tố trước pháp luật, trong khi đó, việc xác định được địa chỉ của nạn nhân để giải cứu còn gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn trong việc xác định và giải cứu nạn nhân khi hầu hết các nạn nhân bị mua bán trong các vụ đã khám phá là bị bán sang Trung Quốc để làm gái mại dâm và lấy chồng người Trung Quốc bất hợp pháp. Khi sang địa phận Trung Quốc, nạn nhân bị quản lý, thu hết điện thoại, nạn nhân không biết tiếng Trung Quốc và địa hình đi lại nên không biết mình ở đâu, không có phương tiện thông tin để liên lạc với gia đình thông báo tình hình.

Tuy nhiên, Thượng tá Sơn cũng thông tin, do làm tốt công tác  tuyên truyền, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại vùng biên, 100% đơn tố giác về mua bán người được xác minh, làm rõ... nên từ năm 2015 đến 2017, số vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội là rất thấp, chủ yếu các vụ án xảy ra ở tỉnh ngoài, được công an TP điều tra, khám phá.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc