Biến chứng chạy thận: Chưa bao giờ tử vong nhiều như thế!

15:22, 31/05/2017
|

(VnMedia) Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các tai biến trong chạy thận nhân tạo xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm... Và chưa bao giờ có nhiều trường hợp tử vong như thế này...

Các bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đang hồi phục sức khỏe.
Các bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đang hồi phục sức khỏe.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh, Công an TP Hòa Bình đang phối hợp các ngành chức năng tập trung khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật vụ việc 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, hồi 7 giờ 30 phút ngày 29/5/2017, tại tầng 2 nhà B3, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tổ chức điều trị chạy thận nhân tạo cho 18 người (đây là các bệnh nhân bị suy thận định kỳ chạy thận tại Bệnh viện 3 lần/tuần).

Sau 45 phút chạy thận nhân tạo, đến 8 giờ 45 phút cùng ngày, đã phát hiện tình trạng hôn mê ở cả 18 bệnh nhân.

Bệnh viện đã tiến hành các biện pháp cấp cứu, đồng thời báo cáo Sở Y tế tỉnh và Bệnh viện Bạch Mai. Đến 12 giờ cùng ngày, 06 người đã tử vong, gồm: Đinh Thị Thu Hằng (36 tuổi), trú tại xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình; Bùi Văn Chính (50 tuổi), trú tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy; Quách Thị Phượng (69 tuổi), trú tại huyện Lương Sơn; Nguyễn Thị Minh (64 tuổi), trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình; Bùi Văn Huyển (46 tuổi), trú tại huyện Cao Phong; Lê Thị Chung (58 tuổi), trú tại phường Tân Hòa, TP Hòa Bình.

Đối với 12 bệnh nhân còn lại, đã được các y, bác sỹ đưa sang lọc thận tại Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình, đối với những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến tích cực, đã được đưa dần trở lại cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. 

Đến 23h, 1 bệnh nhân 60 tuổi đã không qua khỏi, nâng số người tử vong khi chạy thận lên 7 người.

13 giờ 30 phút cùng ngày, Bệnh viện Bạch Mai đã cử 09 bác sỹ gồm 03 ca, mỗi ca 03 bác sỹ lên hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu nạn nhân. Hiện nay, công tác tổ chức cấp cứu đang được tiến hành tích cực, khẩn trương tại Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Liên quan đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng trên, trao đổi với báo chí tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) đánh giá là sự cố nghiêm trọng hy hữu xảy ra trong ngành y.

Ông Dũng ghi nhận, biến chứng xảy ra với một vài bệnh nhân khi đang chạy thận thi thoảng vẫn xảy ra. Nhưng biến chứng với hàng loạt bệnh nhân như ở BV đa khoa Hòa Bình là sự cố y khoa cực kỳ nghiêm trọng. Theo ông Dũng, trong 45 năm qua, kể từ khi Việt Nam có chuyên ngành chạy thận nhân tạo chưa từng xảy ra sự việc như vậy.

Theo ông Dũng, hiện nay, phác đồ điều trị lọc thận tại Việt Nam đúng tiêu chuẩn phác đồ điều trị của thế giới. Để thực hiện được một ca lọc máu quy trình rất chặt chẽ, phải có nước lọc máu, quả lọc máu, thăm khám bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân trong 3-4 giờ đồng hồ… Trên thế giới cũng như Việt Nam, khi thực hiện một kỹ thuật y khoa đều phải nắm rõ các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

"Có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu. Thỉnh thoảng có bệnh nhân chạy thận bị sốt, bị rét, phải chuyển cấp cứu ngay. Có những nguyên nhân “chẳng giống ai”, nhưng chưa bao giờ có trường hợp tử vong nhiều như thế này” – TS Dũng bày tỏ.

Ông Dũng cho biết thêm, các tai biến trong chạy thận nhân tạo xảy ra trong thời gian rất ngắn, nếu không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm. Nếu để khí lọt vào máu trong quá trình bơm máu vào bệnh nhân thì sẽ gây ra sự nguy kịch cho tính mạng người bệnh. Theo đó, chỉ cần 10 ml khí chèn vào có thể gây biến chứng tắc mạch máu, tử vong. 

Tuy nhiên, ông Dũng đánh giá, những biến chứng này rất hiếm gặp vì máy móc chạy thận hiện nay rất hiện đại. Tất cả những gì liên quan đến lọc máu, tiếp xúc với bệnh nhân đều có thể gọi là yếu tố nguy cơ như: nước, dịch lọc, thuốc, màng lọc… Do đó, Hội đồng chuyên môn sẽ phải rà soát từng yếu tố một để tìm nguyên nhân, và sẽ có biện pháp xử lý triệt để. Việc tìm ra nguyên nhân để xem khâu nào là quan trọng trong việc lọc máu chạy thận để quyết định xem khâu nào phải kiểm tra định kỳ, khâu nào không thể bỏ qua… để các phác đồ điều trị sau này phải tuân theo.

Được biết, hơn 100 trường hợp chạy thận lọc máu định kỳ khác tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã được lần lượt chuyển về các cơ sở y tế của Hà Nội. Trong ngày 30/5, Bệnh viện Thận Hà Nội Hà đã tiếp nhận 20 bệnh nhân đầu tiên từ Hòa Bình chuyển xuống. Những bệnh nhân này đã được bệnh viện bố trí vào một phòng điều trị với đủ 20 máy chạy thận. 

Đối với những ca bệnh phức tạp sẽ được chuyển về Bạch Mai. Các ngày tiếp theo sẽ cố định lịch chạy thận của các bệnh nhân đang chạy thận chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa Hoa Bình để người bệnh yên tâm chữa trị.

Phương Mai


Ý kiến bạn đọc