(VnMedia) - Theo quan điểm của luật sư, hành vi trộm cắp ô tô Range Rover của đối tượng Nguyễn Duy Linh đã chuyển hóa sang Tội cướp tài sản.
Trước đó, khoảng 22h tối 28/4, anh Bùi Tuấn Anh điều khiển chiếc xe Range Rover đi từ cổng chính Royal City hướng đường Nguyễn Trãi đến phố Tây Sơn. Khi đến trước số nhà 125 Tây Sơn (cửa hiệu thuốc Tây), anh Tuấn Anh đã dừng lại để mua thuốc. Tuy nhiên, anh lại không tắt máy ô tô. Lợi dụng sơ hở này, chỉ khoảng 5 phút sau, đối tượng Nguyễn Duy Linh đã mở cửa xe lên ghế lái và chốt cửa lại. Phát hiện sự việc, anh Tuấn Anh lao ra giật cửa trái nhưng không được, còn đối tượng phóng xe bỏ chạy.
Sau đó, đối tượng lái xe bỏ chạy qua nhiều tuyến phố và gây tai nạn tại nhiều điểm. Cụ thể, đối tượng lái xe bỏ chạy qua các tuyến phố Tây Sơn – Xã Đàn – Hào Nam – Cát Linh – Giảng Võ – La Thành – Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Đào Tuấn – Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt.
Khi đến ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, xe Range Rover đã đâm vào 1 xe máy và kéo lê dưới gầm. Chiếc xe ô tô tiếp tục rẽ sâu vào ngõ và đâm vào 4 chiếc xe máy đang đỗ trước cửa quán KFC và dừng lại. Bỏ chạy được 150m đối tượng đã bị cơ quan chức năng và người dân bắt giữ. Cơ quan công an cho biết, trong quá trình bỏ chạy, Linh đã gây tai nạn tại 3 điểm.
Điểm thứ nhất tại trước cửa số nhà 664 Đê La Thành, Linh lái xe va chạm với 1 xe máy BKS Hà Nội do một phụ nữ điều khiển khiến chị này bị xây xước nhẹ phải vào sơ cứu tại bệnh viện Xanh Pôn. Tiếp đó, trước cửa số nhà 35 Nguyễn Chí Thanh, chiếc xe va chạm với 1 xe máy BKS 29B1 do chị Trần Thị Hạnh điều khiển đèo theo cháu Phan Đức Hiển (SN 2002). Hậu quả khiến cháu Hiển đứt gót chân trái đang được điều trị tại bệnh viện 354. Điểm thứ 3 là tại ngõ 106 Hoàng Quốc Việt.
Liên quan đến vụ việc trên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội): Hành vi của đối tượng lợi dụng sơ hở do chủ xe ô tô xuống mua thuốc (xe vẫn nổ máy) nên đối tượng đã lén lút mở cửa xe lên ghế lái và chốt cửa điều khiển xe ô tô bỏ chạy để chiếm đoạt. Lén lút được hiểu là hành vi có ý thức che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản đối với chủ tài sản.
Xét hành vi của đối tượng khi lén lút lợi dụng chủ sở hữu dừng đỗ xe để xuống mua thuốc nên đã lợi dụng sơ hở chiếm đoạt ô tô bỏ chạy đã cấu thành tội Trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự 1999.
Tuy nhiên sau khi chiếm đoạt được xe ô tô và bị chủ phương tiện ngay lập tức phát hiện cùng mọi người dân truy đuổi thì đối tượng không dừng lại mà bỏ chạy qua nhiều tuyến phố và gây tai nạn tại nhiều điểm. Hậu quả gây thiệt hại đến sức khỏe và tài sản của người dân đi trên đường.
Theo qui định của pháp luật, trong trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
Như vậy, theo quan điểm của luật sư, trong trường hợp này, hành vi trộm cắp ô tô Range Rover của đối tượng đã chuyển hóa sang Tội cướp tài sản. Nếu kết quả định giá tài sản chiếm đoạt ô tô Range Rover trên 500 triệu thì đối tượng sẽ bị xử lý theo Khoản 4 Điều 133 Bộ luật hình sự.
Ngoài ra, trong quá trình bỏ chạy, đối tượng gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản khác của người dân thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật và là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, Bộ luật hình sự 1999 đã bỏ hình phạt tử hình về Tội cướp tài sản nên đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến tù chung thân.
Điều 133. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
Phương Mai
Ý kiến bạn đọc