Hàng loạt thông tin, hình ảnh về bắt cóc trẻ em được người dùng mạng xã hội chia sẻ tràn lan. Nhiều gia đình không dám cho con ra ngoài, đứng ngồi không yên khi con đi học.
Bé gái bị người lạ bỏ rơi tại một cánh đồng huyện Củ Chi - Ảnh cắt từ video |
Ngày 25/3, hàng ngàn lượt người dùng mạng xã hội đã chia sẻ một đoạn video ghi lại hình ảnh một em gái tên N.A. được cho là bị bắt cóc. Em mặc đồng phục học sinh của một trường tiểu học ở Q.Tân Phú (TP.HCM).
Cơ quan công an xác nhận em gái nói trên được một thanh niên đi xe máy nói rằng “cha em bị bệnh muốn gặp em” nên người này đã chở em từ Q.Tân Phú hướng về Củ Chi. Khi đến một cánh đồng, đối tượng này dừng lại để em xuống xe, nói “đi mua cơm” rồi bỏ đi mất.
Còn chị B.H. (Q.Tân Bình, TP.HCM) chưa hết bàng hoàng khi bị “cướp con” vào chiều 18/3 trên đoạn đường Âu Cơ khi chị đang ẵm con chuẩn bị qua đường.
Trước đó, dư luận từng xôn xao với câu chuyện nghi bị bắt cóc tại trung tâm Q.1 vào sáng 28/2. Nạn nhân được cho là con gái (9 tuổi) của chị K.P. (ngụ Q.1, TP.HCM). Chị P. cho con gái ít tiền để mua bánh nhưng bé đã bị một thanh niên tiếp cận và ẵm lên xe máy chở đi.
Sớm tìm cách giải quyết
Công an đến giải quyết vụ bé gái bị bỏ rơi tại Củ Chi ngày 25-3 - Ảnh cắt từ video |
Lãnh đạo công an một số quận, huyện cho biết đã tiếp nhận những thông tin liên quan đến vụ nghi bị bắt cóc đang lan truyền trên mạng xã hội. Sau khi phân tích tính chất của một số vụ việc, bước đầu cơ quan điều tra nhận định có khả năng người bắt cóc có mục đích xấu khác, ngoài chiếm đoạt tài sản.
Trong nhiều vụ, nạn nhân không bị chiếm đoạt tài sản và không bị xâm hại.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM - khẳng định từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP chưa có vụ bắt cóc trẻ em nào. Với các thông tin lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua, Công an TP luôn tiếp nhận thông tin khách quan và đang phối hợp nhiều cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ.
Lý giải về khẳng định trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết dư luận hay nói đến “bắt cóc” hoặc “bắt cóc trẻ em” nhưng điều 134 Bộ luật hình sự chỉ có tội “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Người phạm tội này phải có đồng thời hai hành vi: bắt cóc con tin và đe dọa chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản. Nếu bắt cóc không nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể chỉ là hành vi cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
“Nên công an chưa có kết luận vụ nào bắt cóc chiếm đoạt tài sản là có lý do pháp lý của phía công an” - luật sư Hậu nói.
Ông Hậu nhận định để sớm giải quyết vụ việc, Công an TP phải sớm điều tra cụ thể từng vụ việc, xem xét bản chất bên trong. Sau đó, công khai thông tin bằng nhiều cách qua báo chí hoặc chính các trang mạng xã hội để tránh hoang mang dư luận.
Bất an có cơ sở nhưng cần tỉnh táo
Chị B.H. ôm con trai thuật lại câu chuyện bị cướp con trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) - Ảnh: Hữu Linh |
Chị Mỹ Duyên (Phan Thiết) cho biết mình thường xuyên đọc được thông tin về việc trẻ bị bắt cóc cho nên rất lo sợ.
“Tôi không dám dắt con đi chơi ở những nơi công cộng, không dám cho con đi công viên, sở thú, siêu thị hay bảo tàng. Vẫn biết rằng những thông tin cũng có phần đúng phần sai nhưng cảnh giác vẫn là trên hết. Biết đâu trường hợp ấy lại rơi trúng con mình?” - chị Duyên lo lắng.
Nhiều phụ huynh khác cũng chung tâm lý hoang mang, lo sợ trước những thông tin trẻ em bị bắt cóc tràn lan mạng xã hội.
Theo TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), đối với các phụ huynh thì mọi thứ liên quan đến con cái đều trở thành vấn đề rất quan trọng. Trước mọi thông tin, mọi lời đồn thổi, người ta thường liên hệ ngay tới con mình.
“Nên thông cảm với nỗi bất an của phụ huynh. Tuy nhiên, phụ huynh đọc được những thông tin này luôn ở trong trạng thái cảnh giác với mọi thứ, nhìn đâu cũng ra tội phạm thì đôi khi lại quá mức và vô tình có hại đến sự phát triển tự nhiên của trẻ.
Bậc cha mẹ phải rất tỉnh táo và bình tĩnh trước mọi thông tin. Phụ huynh lo sợ đến mức không để trẻ tự do trong bất cứ hoạt động gì thì phải chăng là phụ huynh đang sống thay cuộc sống của con mình?” - ông Quân cho biết.
Chia sẻ thêm, ông Quân khẳng định về lâu dài, trẻ bị bảo bọc quá đáng sẽ thiếu kỹ năng tự vệ và các kỹ năng sống cần thiết khác. Sẽ thật đáng buồn khi cha mẹ lại là những người tước đi hành trang đó của trẻ.
Đồn đại có khi tạo ra kích thích có thật
TS Lê Nguyên Thanh - trưởng bộ môn tội phạm học, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng thực tế không có nhiều vụ bắt cóc như trên mạng xã hội vẫn đăng tải.
“Sự đồn đại đôi khi cũng tạo ra một kích thích có thật, cổ xúy cho những hành vi phạm pháp, tạo hiệu ứng tâm lý làm các đối tượng tội phạm được củng cố niềm tin và từ đó xảy ra thêm nhiều vụ bắt cóc thật. Tuy vậy, không có nghĩa là người dân không cần phải cẩn trọng trước hiện tượng này. Hiện nay, tội phạm có rất nhiều “chiêu trò” bắt cóc rất tinh vi khiến nhiều người không ngờ tới nên từ đó không cảnh giác” - ông Thanh nhấn mạnh.
Phân tích thêm, ông Thanh chỉ rõ: Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể là đối tượng của bắt cóc. Ngày nay, bắt cóc có nhiều nguyên do chứ không chỉ để chiếm đoạt tài sản.
Phụ huynh đừng nghĩ chỉ con nhà giàu mới bị mà tất cả trẻ em đều có thể bị bắt cóc bởi bọn buôn người để phục vụ cho nhiều mục đích vô nhân đạo khác nhau như lấy nội tạng, làm ăn xin, bán ra nước ngoài, làm mại dâm hay lao động khổ sai.
Theo TS Bùi Hồng Quân, những trường hợp phụ huynh cần cảnh giác là khi trẻ có mặt trong những môi trường mới, có đám đông, có người lạ, những hoạt động lần đầu tiên trẻ tham gia vì lúc đó phụ huynh khó lường trước được các nguy cơ.
Nhiều trường học cảnh báo học sinh
Trước thông tin từ mạng xã hội, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã tăng cường lực lượng bảo vệ, siết chặt an ninh. Một số trường cũng gửi thông báo cho giáo viên, phụ huynh và học sinh để cảnh giác.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) - cho biết trong các buổi họp phụ huynh, chào cờ đầu tuần nhà trường thường xuyên cảnh báo cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về tình hình an ninh trật tự trường học, đề phòng kẻ gian dụ dỗ.
Nhà trường đã làm việc lại với lực lượng bảo vệ, các cô bảo mẫu, giáo viên chủ nhiệm chú trọng việc đảm bảo an toàn khi phụ huynh đến đưa đón học sinh. Phải nhận diện được cha mẹ học sinh rồi mới giao bé cho gia đình.
Nhà trường tạo điều kiện để phụ huynh vào tận cổng trường đón con nhưng tuyệt đối hạn chế cho phụ huynh lên tận lớp để tránh tạo cơ hội cho kẻ gian trà trộn. Ngoài ra, lực lượng dân phòng, công an khu vực cũng chú ý và giúp nhà trường trong việc giám sát, đảm bảo tình hình trật tự xung quanh trường học.
Ý kiến bạn đọc