(VnMedia)- Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh người rửa xe tự ý đánh xe của khách đi sửa chữa đèn trên taplo thì chủ phương tiện không có lỗi vì không giao xe nhờ đi sửa. Do đó, chủ phương tiện không có trách nhiệm phải bồi thường trách nhiệm dân sự khi lái xe gây tai nạn.
Chiều 29/2, người đàn ông 39 tuổi ở quận Long Biên (Hà Nội) đến công an trình diện và nhận gây ra vụ tai nạn khiến 3 người tử vong. Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào 7h30 sáng ngày 29/2/2016, chiếc Camry chạy tốc độ cao lấn sang làn đường ngược chiều tông ôtô 5 chỗ, nhiều xe máy trên phố Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) làm 2 ông cháu và một phụ nữ tử vong.
3 nạn nhân tử vong là người đàn ông ngoài 60 tuổi, bé gái chừng 6 tuổi và một phụ nữ đang đi bộ dưới đường.
Trao đổi với báo chí, đại diện Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, người lái xe Camry tông liên hoàn làm 3 người tử vong đã đến cơ quan chức năng trình diện. Anh này tên Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi, trú ở Long Biên, Hà Nội).
Tại cơ quan công an, Vinh khai làm bảo vệ cho Chi cục thuế quận Ba Đình, bản thân không có bằng lái xe. Vinh có mở tiệm rửa xe ôtô tại nhà. Tài xế nhận cầm lái chiếc Camry cho biết, sáng 29/2, một khách lái chiếc xe màu bạc đến tiệm rửa, cắm chìa khóa ở ổ. Sau khi rửa xe, Vinh thấy đèn trên taplo nháy đỏ liên tục.
|
Chiều 29/2, Nguyễn Quang Vinh đã ra trình diện nhận mình là người lái xe Camry. |
Nghĩ rằng chiếc Camry gặp lỗi, Vinh tự ý đánh xe đến một gara gần đó để kiểm tra. Khi đi, cháu gái Vinh ngồi trong xe.
Cầm lái qua phố Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội), Vinh cho xe lấn làn và gây tai nạn nghiêm trọng. Trước đó, anh ta thừa nhận có uống rượu.
Cuối giờ chiều 29/2, Cơ quan Điều tra Công an quận Long Biên, Hà Nội, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, theo điều 202 BLHS, đối với vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, tại phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Cơ quan Điều tra cũng đã tạm giữ hình sự Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, HKTT tại tổ 15, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội), hiện ở số 62 phố Hoàng Như Tiếp, Bồ Đề, Long Biên, để điều tra, xử lý về hành vi nêu trên. Ngoài việc điều khiển xe gây tai nạn, kết quả giám định cho thấy trong máu của Vinh có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép.
Một diễn biến khác liên quan đến vụ tai nạn, hiện cơ quan điều tra đang vận động người phụ nữ ngồi trên xe thời điểm xảy ra tai nạn ra trình diện cơ quan pháp luật.
Vụ việc này hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Những ai sẽ cùng phải chịu trách nhiệm với người gây ra vụ tai nạn đau lòng sáng 29/2?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, hành vi của người lái xe đã có dấu hiệu phạm Tội vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a Khoản 3 Điều 202 Bộ Luật Hình sự (BLHS).
Theo phân tích của vị luật sư này, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 202 BLHS thì cần phải xác định cụ thể hành vi của người điều khiển phương tiện đã vi phạm qui định nào của Luật giao thông đường bộ
Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này. Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự , nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác.
Theo lời khai của lái xe khi đi đến đoạn cua rẽ phải để lên đường Ái Mộ thì do mở cua rộng quá sang bên trái đường. Lúc đó, lái xe mất bình tĩnh và không xử lý được nên đã đâm vào bên trái đường và gây ra tai nạn.
Như vậy có thể thấy, lái xe do mất bình tĩnh, đi không đúng làn đường, không làm chủ tay lái, đạp nhầm chân phanh ga làm ô tô tăng tốc đâm vào hàng loạt xe máy và người tham gia giao thông đi trên đường. Hậu quả làm tử vong 03 người và gây thiệt hại đến tài sản của người khác.
Hành vi đạp nhầm chân phanh ga thể hiện năng lực của người lái xe.
Từ phân tích trên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, lỗi của người lái xe đã vi phạm: Vi phạm Điều 4 Luật giao thông đường bộ: Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ.
“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Vi phạm Điều 9 Luật giao thông đường bộ: Quy tắc chung
“Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.
Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-
VKSNDTC-TANDTC ngày 28/08/2013 Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông qui đinh tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 các điều 202 BLHS: “làm chết từ ba người trở lên”
Về tình huống người lái xe gây tai nạn không có bằng lái và có sử dụng rượu bia thì xử lý như thế nào? Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự.
Bên cạnh đó, tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
Đây là những tình tiết định khung tăng nặng được qui định tại Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự. Nhưng do lái xe đã bị xử lý về Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự có khung hình phạt lớn hơn nên khi xét xử Tòa án vẫn coi là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về tính chất mức độ hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.
Một vấn đề khác của vụ việc khiến dư luận đặt câu hỏi là việc, chủ xe ô tô có trách nhiệm liên đới như thế nào trong vụ việc này?.
Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, trường hợp thứ nhất, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh người rửa xe tự ý đánh xe của khách đi sửa chữa đèn trên taplo thì chủ phương tiện không có lỗi vì không giao xe nhờ đi sửa. Do đó, chủ phương tiện không có trách nhiệm phải bồi thường trách nhiệm dân sự khi lái xe gây tai nạn.
Trường hợp thứ hai, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh chủ phương tiện ô tô đã nhờ người rửa xe đánh xe đi sửa hộ đèn taplo thì chủ phương tiện phải bồi thường trách nhiệm dân sự.
Căn cứ theo Điều 632 Bộ luật dân sự “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” có qui định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Sau đó chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác. Nếu không khởi kiện thì thì hai bên tự thỏa thuận về số tiền chủ phương tiện đã bồi thường.
Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.
Trường hợp thứ ba, nếu cơ quan điều tra chứng minh chủ phương tiện xe ô tô biết rõ người rửa xe không có đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật (không có giấy phép lái xe) mà nhờ đánh xe đi sửa hộ đèn taplo ô tô thì chủ phương tiện này có dấu hiệu phạm Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 205 BLHS. Ngoài ra chủ phương tiện phải có trách nhiệm bồi thường trách nhiệm dân sự theo qui định tại Điều 632 Bộ luật dân sự.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ý kiến bạn đọc