Buộc học sinh vi phạm giao thông nghỉ học có trái luật?

09:56, 13/03/2016
|

(VnMedia) - Luật sư cho rằng Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành văn bản về xử lý học sinh vi phạm giao thông với hình thức buộc nghỉ học một tuần là trái với Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành nên không có giá trị thi hành.

Ngày 7/3, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản về việc xử phạt học sinh vi phạm giao thông, trong đó nêu nội dung: “Học sinh khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm, nếu vi phạm lần hai sẽ trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày, trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ buộc thôi học một tuần”.

Trao đổi với VnMedia về nội dung trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội cho biết: Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 qui định:

“Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.

Văn bản có chứa quy phạm, pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.

Như vậy, có thể hiểu Văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đây là văn bản hành chính của Sở nhưng lại có nội dung chế tài xử lý học sinh vi phạm giao thông đường bộ. Cấp Sở được ban hành các văn bản hành chính hướng dẫn thực hiện các qui định của lĩnh vực mình quản lý theo sự phân công nhiệm vụ.

Theo quan điểm của luật sư, Về nguyên tắc, Sở GD&ĐT được hướng dẫn thực hiện các qui định trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc ngành mình quản lý. Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành không qui định trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật thôi học có thời hạn.

Cơ sở pháp lý để xử lý kỷ luật học sinh hiện nay vẫn được áp dụng theo Thông tư 08/1988/TT của Bộ GD-ĐT và Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT . Các văn bản pháp luật này cũng không qui định trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ thì phải bị xử lý kỷ luật buộc thôi học.

Do đó, Văn bản này của Sở GD&ĐT ban hành để các Trường học thực hiện là trái với Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành nên không có giá trị thi hành.

Một hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần.

Cũng theo ý kiến của luật sư Thơm, học sinh nếu vi phạm luật giao thông đường bộ đã chịu hình thức xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP  thì không thể lại tiếp tục đưa về Nhà trường tiếp tục xử lý kỷ luật buộc thôi học lần thứ hai về chính hành vi này. Điều này trái với nguyên tắc pháp luật là một hành vi chỉ bị xử lý một lần.

Chúng ta cần phân định trách nhiệm quản lý của nhà trường và xã hội. Học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ là xâm hại đến quan hệ pháp luật về trật tự an toàn giao thông được Luật giao thông đường bộ điều chỉnh và phải bị xử phạt hành chính theo qui định của Pháp luật.

Nhà trường quản lý học sinh trong phạm vi giờ học mà vi phạm nội quy, quy chế thì thuộc trách nhiệm xử lý kỷ luật của Nhà trường theo qui định của Luật giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành.

"Nếu chúng ta lấy một hành vi vi phạm của một quan hệ pháp luật này để tiếp tục xử lý bằng một quan hệ pháp luật khác thì sẽ gây ra sự rối loạn trong xã hội" - luật sư Thơm nói.

Thực tế hiện nay rất nhiều công chức viên chức Nhà nước vi phạm luật giao thông đường bộ thì chẳng lẽ sẽ bị đình chỉ công tác. Trong khi đó các hình thức xử lý kỷ luật công chức, viên chức không qui định trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ thì sẽ dẫn tới xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm đình chỉ hay đình chỉ công tác.

Hệ lụy khi học sinh đình chỉ học vì vi phạm luật giao thông

Trong điều kiện xã hội hiện nay, nếu chỉ vì học sinh vi phạm luật giao thông mà cho các cháu tạm đình chỉ học ở nhà thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như sự quản lý giáo dục các cháu là rất khó khăn. Tâm lý tiêu cực sẽ phát sinh dẫn tới nhiều vi phạm pháp luật khác.

Với mức gia tăng các phương tiện giao thông ở các đô thị là rất lớn, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ đã và đang xảy ra rất nhiều không những ở các cháu học sinh mà ngay cả những người lớn tuổi khi tham gia giao thông.

Hơn hết, chúng ta nên tập trung tuyên tuyền giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ với các cháu học sinh, phối kết hợp với chính quyền địa phương, gia đình các cháu để có giải pháp ngăn ngừa các vi phạm và cũng chính để đảm bảo an toàn tính mạng cho các cháu.

Mặt khác, nhà trường cũng thể yêu cầu các gia đình ký Cam kết giáo dục các con chấp hành luật giao thông, không giao xe cho các cháu đi khi chưa đủ tuổi cấp Giấy phép lái xe theo qui định, khi tham gia giao thông cùng người lớn phải đội mũ bảo hiểm,…


Ý kiến bạn đọc