7 ngân hàng bị "siêu lừa" chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng

10:05, 26/02/2016
|

Lập công ty “ma” để tạo hồ sơ mua bán hàng hóa khống, thế chấp hàng giả, tổng giám đốc Công ty Âu Mỹ đã chiếm đoạt số tiền gần 200 tỷ đồng của nhóm ngân hàng.

7 ngân hàng bị tổng giám đốc lập hợp đồng “ma” chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng
Các bị cáo tại tòa

Ngày 25/2, TAND TP. Hà Nội đã xử phạt đối với bị cáo Lê Thị Hồng Vân (SN 1969, ở quận Hoàng Mai) mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ở vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Quốc Dương (SN 1971, ở quận Hoàng Mai) lĩnh mức án 30 năm tù; Phạm Minh Thái (SN 1980, ở huyện Thanh Trì) 16 năm tù và Dương Mạnh Hà (SN 1974, ở quận Thanh Xuân) 10 năm tù.

Tổng cộng đã có 8 ngân hàng bị Lê Thị Hồng Vân “qua mặt”. Đối với hành vi lừa đảo một ngân hàng, vào năm 2015, Tòa án Quân sự Thủ đô xử phạt bị cáo mức án 14 năm tù.

Theo cáo buộc, Công ty Âu Mỹ thành lập năm 2006 do Lê Thị Hồng Vân làm Tổng giám đốc, chủ yếu buôn bán và sản xuất kinh doanh inox. Vân cũng lập ra Công ty Việt Mỹ và để Phạm Minh Thái (công nhân) trở thành giám đốc. Cùng với sử dụng pháp nhân của Công ty Tam Tinh do Dương Mạnh Hà làm giám đốc, Lê Thị Hồng Vân lấy danh nghĩa 2 công ty này để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn các ngân hàng.

Bị cáo khai nhận, đã có quan hệ tín dụng làm hồ sơ vay vốn để thanh toán hàng mua nội địa và mở L/C vay thanh toán quốc tế tại các ngân hàng như LienVietPostBank, PGBank,... Với quan hệ thân thiết, Lê Thị Hồng Vân dùng bất động sản, nhà xưởng, phương tiện, máy móc, hàng hóa hình thành từ vốn vay để thế chấp ngân hàng.

Khoảng cuối năm 2011, việc kinh doanh thua lỗ, nữ giám đốc này đã ký khống hợp đồng mua hàng inox với Công ty Việt Mỹ, Tam Tinh và 3 công ty của Lê Quốc Dương (em ruột Vân) - Tổng giám đốc Công ty châu Âu nhằm lập khống hồ sơ đầu vào.

Với các hợp đồng mua hàng thật giữa Công ty Âu Mỹ với nhiều công ty khác, Vân sử dụng Hợp đồng mua bán hàng, hóa đơn, phiếu nhập kho... để làm hồ sơ thế chấp tài sản. Nhưng khi nhận hàng về, Vân bán luôn hàng cho các công ty khác hoặc đưa vào sản xuất (trước khi ngân hàng giải ngân) và chỉ để lại kho của công ty lượng hàng thật là 974.251 kg inox dùng làm tài sản đảm bảo thế chấp cho tất cả 8 ngân hàng đã vay vốn.

Do việc lập khống inox đầu vào và bán các tài sản thế chấp trước khi giải ngân, nên lượng hàng hóa trong kho không đủ khối lượng như trong bản hợp đồng. Giữa năm 2012, Vân đề nghị em trai là Lê Quốc Dương chở đến kho của Công ty Âu Mỹ 364 cuộn inox giả. Nữ giám đốc đã trà trộn hàng inox giả (rỗng ruột) với hàng thật và đưa vào làm tài sản thế chấp vay vốn các ngân hàng.

Đối với số hàng giả, theo lời khai của Dương, Công ty Châu Âu có nhập khẩu thép, inox, mua trong nước để phục vụ sản xuất và làm tài sản thế chấp nhưng số lượng ít. Kinh doanh thua lỗ kèm nhu cầu vay vốn lớn, bị cáo thành lập ra 3 công ty khác để lấy tư cách pháp nhân.

Thực tế, giữa các công ty này và Công ty Âu Mỹ, Công ty Việt Mỹ, Công ty Tam Tinh, Công ty Châu Âu không có việc mua bán hàng hóa với nhau. Hàng hóa bị thiếu hụt, bị cáo nảy sinh việc làm inox giả để bù đắp số hàng thiếu hụt.

Bị cáo Phạm Minh Thái, Dương Mạnh Hà khai nhận, ký vào khế ước nhận nợ, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn đều theo chỉ đạo của Vân. Toàn bộ số tiền các ngân hàng giải ngân được chuyển thẳng về Công ty Âu Mỹ để Lê Thị Hồng Vân sử dụng.

Đối với các cán bộ ngân hàng, cơ quan điều tra xác định họ không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thất thoát tài sản thế chấp nên không đề nghị xử lý.

Tổng số tiền bị cáo Lê Thị Hồng Vân chiếm đoạt của 7 ngân hàng là hơn 197,7 tỷ đồng. Phạm Minh Thái bị cáo buộc giúp sức cho Vân vay vốn, chiếm đoạt số tiền hơn 50 tỷ đồng; còn Dương Mạnh Hà là hơn 9,6 tỷ đồng.


Ý kiến bạn đọc