(VnMedia)- Ngày 31/12/2015, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã ký xác thực Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đây là Văn bản hợp nhất Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Theo Nghị định này công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu quốc gia hoặc giấy tờ khác phù hợp để xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Nghị định này và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Nghị định quy định mới về gia hạn hộ chiếu và các giấy tờ cấp cho công dân Việt Nam để xuất cảnh, nhập cảnh như: Hộ chiếu quốc gia, bao gồm: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới. Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới. Trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu ngoại giao cấp cho con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định tại khoản 10 Điều 6 Nghị định này và hộ chiếu công vụ cấp cho con dưới 18 tuổi của nhân viên cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 7 của Nghị định này có thời hạn từ 1 đến 5 năm tính từ ngày cấp cho đến khi người con đó đủ 18 tuổi và không được gia hạn.
Nghị định quy định Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ không cấp cho những người thuộc diện quy định tại Điều 6, Điều 7 của Nghị định này khi được cử đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 6 tháng.
Giấy tờ khác về xuất cảnh, nhập cảnh cũng được quy định mới như: Hộ chiếu thuyền viên được tăng giá trị từ 5 năm lên 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Nếu Hộ chiếu thuyền viên còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Công dân Việt Nam đang ở trong nước thuộc diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này, khi đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao) hoặc tại cơ quan Ngoại vụ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Bộ Ngoại giao. Hồ sơ gồm: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (theo mẫu quy định); Văn bản (theo mẫu quy định) của cơ quan có thẩm quyền nêu tại Khoản 1 Điều 32 của Nghị định này về việc cử hoặc cho phép ra nước ngoài trong đó ghi rõ là cán bộ, công chức, viên chức quản lý, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp…
Công dân Việt Nam đang ở nước ngoài đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hồ sơ gồm: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu quy định; Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam; Bản sao giấy khai sinh nếu người đề nghị cấp hộ chiếu dưới 14 tuổi.
Trường hợp cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông của mình.
Nghị định cũng quy định, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó; Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Người Việt Nam đang ở nước ngoài chưa được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Ý kiến bạn đọc