Đi tù vì tấn công web của Chính phủ, Quốc hội trong... 5 giây

11:27, 22/01/2016
|

Một sinh viên rất giỏi về công nghệ thông tin, nhưng tiếc thay đã dùng kiến thức không đúng chỗ nên tự hại mình và gây khổ lụy cho người thân...

Bị cáo Trần Đại Thắng - Ảnh: M.Tâm
Bị cáo Trần Đại Thắng (Ảnh: M.Tâm)

Từ sáng sớm, gia đình bị cáo đã có mặt tại tòa, ai cũng bồn chồn căng thẳng. Nhác thấy bóng bị cáo bị dẫn giải xuống xe tù, người thân nghẹn khóc...

“Bị cáo chỉ muốn 
kiểm tra kiến thức...”

Theo cáo trạng, từ tháng 2 đến tháng 4/2015, Trần Đại Thắng (24 tuổi, xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã nhiều lần tấn công vào cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội làm các website chinhphu.vn và quochoi.vn không truy cập được.

Với hành vi trên, Thắng bị TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử về tội “cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”...

Chủ tọa nghiêm giọng: “Vì sao bị cáo tấn công vào cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội?”. Bị cáo bào chữa: “Bị cáo chỉ đơn giản muốn kiểm tra kiến thức về tin học và công cụ tấn công mạng do mình nghĩ ra. Bị cáo chỉ tấn công khiến website Chính phủ ngưng hoạt động 5 giây mà thôi. Việc tấn công website Quốc hội cũng vậy”.

Chủ tọa trầm giọng: “Cổng thông tin Chính phủ và Quốc hội tuyên truyền đường lối, chính sách pháp luật. Đây là cơ quan đầu não của đất nước. Tuy ngưng hoạt động chỉ 5 giây nhưng cơ quan chủ quản phải tổ chức chuyên gia giải quyết việc bị cáo gây ra, trả đường truyền lại như cũ mất khoảng một giờ.

Bị cáo suy nghĩ đơn giản chỉ muốn kiểm tra kiến thức nhưng có nghĩ đến hành vi của mình rất nguy hiểm, cản trở các trang mạng lớn, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đất nước?”. Bị cáo lí nhí: “Dạ, bị cáo biết lỗi rồi...”.

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo run run: “Mong tòa xử nhẹ cho bị cáo. Thật ra bị cáo chỉ muốn thử nghiệm công cụ của mình, ngắt đường truyền vài giây chứ không có ý gì khác... Bị cáo hối hận lắm rồi...”.

Trả giá

TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Thắng 3 năm 6 tháng tù về tội “cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”. Xe tù lăn bánh, bà Trần Thị Bạch Mai - mẹ bị cáo - cứ ngồi lặng lẽ khóc.

Bà Mai thổ lộ, vợ chồng bà là nông dân, cực khổ cày cuốc trên 3 công ruộng nuôi con ăn học. Sau đó, khi trường đại học dân lập xây gần nhà, vợ chồng bà sang bán ruộng, vay tiền xây phòng trọ cho sinh viên thuê.

Người con trai lớn học rất giỏi, nhất là công nghệ thông tin, và nhận được học bổng du học nước ngoài, rồi ra trường làm việc ở công ty nước ngoài với lương cao khiến vợ chồng bà rất hoan hỉ.

Tới Thắng, vợ chồng bà cũng mang nhiều hi vọng bởi suốt từ năm lớp 1 đến năm lớp 9, Thắng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Học hết cấp II, Thắng thử sức thi vào lớp toán trường chuyên tỉnh và đậu điểm cao hơn anh mình.

Con chỉ lo học, không chơi bời nên vợ chồng bà rất tin tưởng cho con rời quê lên thành trọ học. Cuối năm lớp 10, Thắng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đến năm lớp 11 chỉ đạt loại khá, bà thắc mắc hỏi thì Thắng trả lời tại chương trình học hơi căng, nhưng khuyên mẹ đừng lo, bảo đảm mình sẽ đậu đại học.

Tin con nên bà cũng không tạo áp lực cho con. Con mê học vi tính nên bà mua cho con máy vi tính để con thuận tiện chuyện học hành. Cuối năm lớp 12, Thắng chỉ đạt loại trung bình. Gặng hỏi, bà mới biết Thắng chỉ dồn vô học vi tính, phớt lờ những môn khác.

Bà tự an ủi, thôi thì học chuyên một ngành cũng tốt, miễn con đam mê là được rồi. Năm đó, Thắng đậu vào trường đại học gần nhà. Thấy con vẫn mải miết bên máy, không tụ tập chơi bời nên bà rất yên tâm.

Trong lúc lòng người mẹ chứa chan hạnh phúc thì bất ngờ chới với, bấn loạn khi con bị phạt hành chính vì lên Yahoo! lấy thông tin hotgirl. Sau đó, Thắng quyết định chuyển sang học trung cấp nghề ngành sửa chữa máy tính, vợ chồng bà cũng đồng ý. Nhưng rồi Thắng bị bắt...

Không kiểm soát được con

Bà thổ lộ: “Tôi dốt đặc về máy tính nên không kiểm soát được con. Phải chi con ăn nhậu, đua xe... thì còn biết được mà la rầy. Đằng này thấy suốt ngày ngồi học trên máy tính, đâu có nghĩ con phạm tội...”.

Từ lúc con bị giam, bà lo sợ, hoảng loạn đến kiệt sức. Nhưng đối với bà, nỗi đau của bản thân là thứ yếu, nỗi lo sợ lớn nhất trùm lên trong tâm trí bà là đứa con sẽ dùng kiến thức công nghệ thông tin tiếp tục phạm tội.

Giọng bà buồn bã: “Cứ mỗi lần vào trại giam tôi đều dạy con, nếu mình có kiến thức phải biết dùng đúng chỗ, chứ đừng làm hacker gây hại cho xã hội. Con hứa ra tù sẽ sống tốt nhưng tôi vẫn canh cánh nỗi sợ...”.


Ý kiến bạn đọc