Luật sư lên tiếng vụ hai bảo mẫu hành hạ cháu bé 15 tháng

09:28, 10/10/2015
|

(VnMedia)- Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, liên quan đến vụ việc bảo mẫu hành hạ trẻ 15 tháng tại Quảng Bình, nếu giám định thương tật của cơ quan chuyên môn xác định tỷ lệ thương tật của các cháu là từ 11% đến 30%, thì các “bảo mẫu” có thể bị xử lý về tội danh “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù giam.

Sáng 9/10, Cơ quan điều tra công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 bảo mẫu cơ sở mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, Đồng Hới) về tội Hành hạ người khác được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự. Hai nghi can Lê Thị Hoài Linh (22 tuổi, trú phường Bắc Lý) và Nguyễn Thị Tú Anh (22 tuổi, ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) đã có hành vi trói chân tay, nhét giẻ vào mồm cháu Cù Hoàng Phi Long (15 tháng tuổi, trú phường Hải Thành) tại lớp học.

baomau
Hình ảnh hai bảo mẫu hành hạ cháu bé 15 tháng tuổi tại mầm non Sơn Ca đã được camera ghi lại.

Trước đó, ngày 5/10, chị Đinh Thị Hằng (mẹ cháu Long) xem qua camera thấy cảnh con trai bị 3 cô giáo trói chân, tay, nhét khăn vào miệng. Các cô giáo này cho biết, vì bé khóc lớn nên làm như vậy để dọa. Sau đó một ngày, chồng chị Hằng là anh Cù Hoàng Thương làm việc với cơ quan công an, cung cấp toàn bộ hình ảnh vụ việc. Ngay sau đó, cơ sở mầm non không phép này bị chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động. Đến 8/10, UBND TP Đồng Hới ra Quyết định xử phạt hành chính bà Trần Thị Thúy Hằng (39 tuổi, trú phường Bắc Lý) 22,5 triệu đồng vì Tự ý thành lập cơ sở giáo dục và Tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được cấp phép. Chính quyền còn buộc giải thể cơ sở mầm non này.

Sáng 9/10, cơ quan điều tra đã triệu tập Lê Thị Hoài Linh và Nguyễn Thị Tú Anh đến trụ sở Công an TP Đồng Hới để đọc lệnh khởi tố. Hai bảo mẫu này được phép tại ngoại đến ngày bị đưa ra xét xử.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện các bảo mẫu bỗng biến thành "mẹ mìn", thành "ác quỷ" khi đang tâm hành hạ các cháu bé. Cũng không phải chưa có một "mẹ mìn" nào nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật về hành vi của họ gây ra.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội đã có những trao đổi với VnMedia xung quanh sự việc này. 

Thưa luật sư, ông có bất ngờ không khi nghe sự việc về hai bảo mẫu hành hạ cháu bé 15 tháng tuổi bị khởi tố?

- Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Những năm gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc bạo hành các cháu bé tại những cơ sở trông giữ trẻ chủ yếu nằm trong loại hình tư thục. Điều này đã làm dư luận xã hội bàng hoàng và phẫn nộ. Mặc dù cơ quan pháp luật đã xử lý nghiêm các đối tượng bảo mẫu vi phạm nhưng tình trạng bạo hành với các cháu bé vẫn xảy ra. Gần đây nhất ngày 9/10, Cơ quan điều tra công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 bảo mẫu cơ sở mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, Đồng Hới).

luatsuthom
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội.

Trong vụ việc tại Quảng Bình, hai nghi can này có hành vi trói chân tay, nhét giẻ vào mồm cháu Cù Hoàng Phi Long (15 tháng tuổi, trú phường Hải Thành) tại lớp học. Theo đó, bảo mẫu Lê Thị Hoài Linh (22 tuổi, trú phường Bắc Lý) và Nguyễn Thị Tú Anh (22 tuổi, ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) bị khởi tố về tội Hành hạ người khác được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự.

Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao trong môi trường sư phạm lại xảy ra hiện tượng bạo hành như vậy ngay đối với những cháu bé hơn 01 tuổi, là người không có khả năng tự vệ và nhận thức còn rất hạn chế. Trong khi các bảo mẫu đều là những người được học và giáo dục các kỹ năng sư phạm về chăm sóc, nuôi dạy các cháu khi đảm nhiệm công việc tại các cơ sở trông giữ trẻ.

Ngoài việc mang lại cho bản thân mình một công việc ổn định, có thu nhập thì trước tiên khi lựa chon nghề giáo dục mầm non thì các cô giáo phải có tình yêu thương con trẻ như con em mình. Có thể những cô giáo này đã không ý thức bản thân được ngay từ khi lựa chọn học ngành sư phạm mầm non và chỉ đặt mục đích tìm kiếm một công để mưu cầu trong trong cuộc sống sau này. Đã xác định theo nghề nào thì phải đặt tình yêu nghề đó của mình lên đầu tiên, nhất là nghề sư phạm mầm non thì phải có tình yêu với trẻ thì mới có thể hoàn thành tốt công việc chăm sóc và dạy bảo cho các cháu. Dẫu biết rằng các cô bảo mẫu phải trông giữ hàng chục cháu bé với những đặc điểm tâm sinh lý của các cháu là khác nhau, có cháu biếng ăn, hay khóc, hay đang ăn bị nôn ói, … nhưng không vì thế mà các cô bảo mẫu lại có quyền được dùng vũ lực một cách thái quá với để buộc các cháu bé phải chấp hành các yêu cầu của cô đặt ra.

Theo quy định của pháp luật, hành vi của hai cô giáo này đã vi phạm vào điều, Luật nào, thưa luật sư?

- Điều 37 Hiến pháp 2013 qui định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004: Các hành vi bị nghiêm cấm “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Hành vi của các bảo mẫu cơ sở mầm non Sơn Ca (đường Hữu Nghị, Đồng Hới) đã xâm phạm đến khách thể được Bộ luật hình sự điều chỉnh đó quyền được bảo hộ về sức khỏe của trẻ em đã được Hiến pháp và Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em bảo vệ. Hành vi của các bảo mẫu là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe bình thường của cháu bé. Thậm chí còn có thể dẫn tới tử vong khi trói chân, tay, nhét khăn vào miệng cháu bé khi khóc.

Để xem xét hành vi phạm tội của các bảo mẫu thì cần căn cứ vào mức độ thương tích của cháu bé. Nếu kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định cháu bé không bị thương tích hành vi phạm tội thuộc tội danh “Hành hạ người khác” như quy định tại Điều 110 Bộ Luật Hình sự, thì khung hình phạt cao nhất cho tội danh này là 3 năm tù giam. Trường hợp giám định thương tật của cơ quan chuyên môn xác định tỷ lệ thương tật của các cháu là từ 11% đến 30%, thì các “bảo mẫu” có thể xử lý về tội danh “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù giam. Trường hợp tỷ lệ thương tật là dưới 11% nhưng do phạm tội với trẻ em, sẽ áp dụng Điểm D Khoản 1 Điều 104, bị can có thể nhận hình phạt đến 3 năm tù giam.

Theo quan điểm của luật sư, cần có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ trong các cơ sở trông giữ trẻ hiện nay?

- Thực trạng hiện nay, chúng ta đang thiếu trường cho trẻ khi mà sự gia tăng dân số vượt quá sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Trường mầm non công lập thì quá tải, trường tư thục chất lượng cao, đạt yêu cầu thì mức học phí quá cao so với thu nhập của nhiều người lao động. Do đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thường tìm đến những cơ sở tự phát, gửi trẻ cho một số nơi không đủ yêu cầu về chăm sóc. Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở trông giữ trẻ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải thường xuyên, liên tục. Kiên quyết xử lý và buộc đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện về giấy phép thành lập, về tuyển chọn bảo mẫu không đủ điều kiện về phẩm chất đạo đức,.. Mặt khác, nếu có thể cần thiết phải lắp camera lớp học để phụ huynh yên tâm gửi giữ con và cũng nâng cao ý thức của các bảo mẫu trong việc chăm sóc các cháu bé để cùng phụ huynh phối hợp nuôi dạy các cháu một cách tốt nhất.

Xin cám ơn luật sư!

Trúc Dân


Ý kiến bạn đọc