(VnMedia)- Những tín hiệu kinh tế chưa mấy khả quan, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng vay không dễ, sức ép từ tăng phí, lệ phí vẫn đè nặng...khiến doanh nghiệp ô tô phải đau đầu vùng vẫy khỏi tình trạng ảm đạm nhất của thị trường 5 năm qua.
>> Thị trường ô tô ảm đạm nhất 5 năm qua
Loay hoay vượt cạn
Có thể nhận thấy 2 xu hướng nổi bật của các doanh nghiệp ô tô trong thời gian gần đây là ra mắt sản phẩm mới và giảm giá khuyến mại ồ ạt nhằm lôi cuốn khách hàng sau cú sốc tăng lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe kể từ đầu năm nay. Trên thực tế, đây là những giải pháp không mới nhưng ít nhiều mang lại những thông tin tích cực hơn cho thị trường.
Một vị chuyên gia về thị trường ô tô nói đùa "cứ đủ ngày đủ tháng là phải ra mắt thôi" khi nói về việc thị trường ảm đạm nhưng các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô vẫn liên tiếp ra mắt xe mới. Điều này có thể hiểu, kế hoạch sản phẩm mới kèm theo hàng loạt chiến lược sản xuất, nhập khẩu, marketing...đã được vận hành nên không thể muốn là dừng là hoãn.
Chiến dịch tung hàng mới rõ nét nhất kể từ đầu tháng 3 tới nay, với sự áp đảo của các sản phẩm nhập khẩu. Sau sự xuất hiện của xe nhỏ giá rẻ Hyundai Eon các mẫu xe sang nhập khẩu nguyên chiếc như BMW 5-series và BMW 3-series; Land Rove Evoque 2012 rồi Porsche 911 Carrera 2012 và dự kiến cuối tháng 4 này Mercedes ML-350 lần lượt đổ bộ xuống thị trường Việt. Liên doanh VinaMazda cũng muốn tạo dấu ấn cho riêng mình bằng cách đưa về Việt Nam các mẫu xe thể thao mui trần MX-5 và thể thao đa dụng CX-5. Với xe lắp ráp trong nước, đáng chú ý là việc Toyota Việt Nam đưa ra 2 mẫu Innova và Fortuner phiên bản 2012.
Orlando vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của GM Việt Nam. |
Cùng với ra mắt xe mới, các nhà sản xuất, nhập khẩu cũng tăng cường các chiến dịch giảm giá, khuyến mại để khỏi chìm sâu hơn nữa khi đang rơi vào tình trạng bi đát nhất trong 5 năm qua, tính theo doanh số bán. Mẫu xe từng làm mưa làm gió trên thị trường 5 năm trước là Civic được Honda giảm giá 40-50 triệu, Kia Sorento cũng được Trường Hải giảm giá tới cả 100 triệu; các mẫu xe sang Mercedes hỗ trợ 50-150 triệu đồng...
Mới đây nhất, thương hiệu xe Mỹ gốc Hàn là Chevrolet cũng được GM Việt Nam làm mới bằng một chiến dịch bảo trì miễn phí kéo dài 2 năm cho khách mua các mẫu xe mới của hãng là Spark mới, Captiva mới và Orlando. Không chỉ được hỗ trợ phí trước bạ và bảo hiểm vật chất như thông thường, khách mua các mẫu xe trên còn được miễn phí bảo trì, thay thế phụ tùng trong 2 năm hoặc 50 nghìn km đầu tiên, đồng nghĩa trong khoảng thời gian đó, nhà sản xuất sẽ lo toàn bộ chi phí vận hành xe, trừ phí nhiên liệu và hao mòn lốp.
Vẫn chờ một chiến lược tổng thể
Viễn cảnh mù mịt của công nghiệp ô tô khiến các doanh nghiệp từ chỗ đầu tư cầm chừng tới việc chuyển hướng và đa dạng hóa...nhập khẩu. Trong năm 2012 này, hàng loạt thành viên VAMA như Toyota, Honda, Ford...cho biết họ không có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, có chăng chỉ nâng công suất để tối đa hóa dây chuyền hiện nay. Trong khi chỉ rót vẻn vẹn 10 triệu USD mở rộng từ năm 2010 tới nay tại Việt Nam thì các tập đoàn mẹ của các công ty này lại đang rót hàng trăm triệu USD đầu tư mở rộng sản xuất tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia...
Không những vậy, với thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chỉ còn 50% vào 2014 và giảm tới 0 - 5% vào năm 2018, dễ dàng nhận thấy xe nhập khẩu nguyên chiếc có lợi thế hơn so với xe sản xuất trong nước. Sẵn có lợi thế nhập khẩu chính hãng, không lo cạnh tranh nhờ Thông tư 20 của Bộ Công Thương, hệ thống dịch vụ sau bán hàng tốt, thị trường ô tô Việt Nam trong tương lai vẫn phụ thuộc vào VAMA. Chỉ có điều khi đó, thay vì sản xuất, lắp ráp, nhiều thành viên VAMA sẽ chọn con đường nhập khẩu để có được lợi nhuận cao nhất.
Thời gian để ô tô trong khu vực dễ dàng tràn vào Việt Nam đang đến gần. Các doanh nghiệp một mặt loay hoay tự cứu mình, mặt khác đang chờ Chính phủ có chiến lược tổng thể rõ ràng, ổn định để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ý kiến bạn đọc