[VIMS 2017] Hội thảo văn hóa đi xe ô tô ở Việt Nam: Nguyên nhân và giải pháp

19:45, 30/10/2017
|

Không chỉ là nơi phô diễn những mẫu xe hơi hào nhoáng, hiện đại và an toàn, Triển lãm Ô tô quốc tế Vietnam (VIMS) còn là nơi trao đổi, bàn luận về một vấn đề khác, cũng gây sự chú ý chẳng kém gì SUV Range Rover Velar: Văn hóa đi xe ô tô ở Việt Nam.

Có thể nhận thấy ngay một thực tế rằng, vài năm trở lại đây với điều kiện kinh tế tốt hơn rất nhiều giúp việc sở hữu ô tô của đại bộ phận người dân đã không còn khó khăn như trước. Việc một gia đình cả hai vợ chồng đều có xe ô tô riêng đã không còn là chuyện hiếm gặp. Bên cạnh đó, thị trường xe hơi cũng đón nhận nhiều mẫu xe mới, đa dạng về mẫu mã, kích thước, kiểu dáng ấn tượng.

vims 2017 hoi thao van hoa di xe o to o viet nam nguyen nhan va giai phap

Xe hơi hiển nhiên là một phương tiện giao thông văn minh, giúp con người di chuyển nhanh chóng và an toàn. Thế nhưng, sự phát triển nở rộ của thị trường xe kéo theo hàng loạt những vấn đề nổi cộm, một trong số đó là văn hóa đi xe ô tô ở Việt Nam. Đáng buồn thay cung cách ứng xử, giao thiệp sao cho hợp tình, hợp lý ở một số tình huống giao thông trên đường lại không được nhiều người sở hữu xe hơi, cánh tài xế chú ý đến.

Bật đèn pha trong phố là một trong những
Bật đèn pha trong phố là một trong những "tật xấu" ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Về lý do tổ chức buổi hội thảo này, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch tập đoàn truyền thông Lê nói: "Hàng ngày chúng ta di chuyển trên đường vẫn thường thấy những hiện tượng, sự việc không phù hợp với văn hóa, chuẩn mực thông thường của một số người đi ô tô. Điển hình như trường hợp một chiếc xe ô tô đỗ trước một cửa hàng và ngay sau đó, nhận được sự phản ứng mạnh mẽ của cô gái khi người này dán băng vệ sinh lên cửa xe. Từ những vụ việc đó, nó khiến chúng tôi - những nhà tổ chức phải suy nghĩ rằng, mặc dù chúng ta có một thị trường ô tô tiềm năng và lượng người có thể có khả năng sở hữu xe hơi cũng khá nhiều nhưng văn hóa đi xe hơi, cung cách ứng xử của người sử dụng xe cũng còn nhiều điều cần phải bàn".

Chắc hẳn, nhiều người sẽ đặt câu hỏi là những hành động, ứng xử không đẹp đó xuất phát từ đâu. Để trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc Điều hành và Đồng sáng lập Elite PR School đồng thời cũng là chuyên gia về Văn hóa và Truyền thông về khía cạnh văn hóa ứng xử và phong cách sống thông qua việc đi xe ô tô sau một thời gian dài nghiên cứu đã đưa ra 6 yếu tố chính, đó là: Chiến tranh, Quy hoạch, Văn hóa làng xã, Phát triển nóng, Quan niệm xã hội và Bảo hiểm.

vims 2017 hoi thao van hoa di xe o to o viet nam nguyen nhan va giai phap

Từ các nguyên nhân trên, để thay đổi nhận thức và hành vi giao thông ở Việt Nam, ông Nguyễn Đình Thành đưa ra mô hình tam giác nhằm truyền tải thông tin dựa trên 4 yếu tố: Kiến thức, Kĩ năng, Thái độ, Hành vi.Trong đó, 4 yếu tố này được xây dựng dựa trên nền tảng cốt lõi "Đưa ra các thông tin về sự nguy hiểm tiềm ẩn của việc thiếu văn hóa giao thông".

vims 2017 hoi thao van hoa di xe o to o viet nam nguyen nhan va giai phap

Lấy ví dụ từ nước láng giềng Hàn Quốc - một trong những quốc gia tiêu biểu ở châu Á mà người dân có văn hóa tham gia giao thông rất cao. "Để có được thành quả như ngày hôm nay, mọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp như thế, chính phủ Hàn Quốc đã phải thực hiện những biện pháp, khẩu hiệu hết sức cứng rắn ngay từ những năm đầu. Hiện tại ở Việt Nam, công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông còn nhẹ nhàng quá", ông Nguyễn Đình Thành chia sẻ.

"Nếu muốn có văn hóa đi xe ô tô, chúng ta cần một khoảng thời gian dài từ 20 đến 30 năm".

Văn hóa giao thông kém không chỉ gây ra tai nạn giao thông, các va chạm không đáng có mà nó còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người lái xe ô tô điềm đạm, chu đáo - điều mà bất cứ lái xe nào cũng hướng tới. Không chỉ là phương tiện giao thông, một cỗ máy cơ khí mà xe hơi còn đánh dấu một bước ngoặt lớn của bản thân để khẳng định vị thế trên xã hội khẳng định vị thế trên xã hội.

Tiếp đó, ông Nguyễn Đình Thành đã nêu ra sự tác động của 5 giác quan tới hành vi lái xe (nhìn, nghe, chạm, ngửi, cảm nhận vị giác) cũng như đưa ra những gợi ý thú vị cho người điều khiển phương tiện để mỗi hành trình trở thành những trải nghiệm thoải mái và dễ chịu nhất.

vims 2017 hoi thao van hoa di xe o to o viet nam nguyen nhan va giai phap

Sau đó, đã diễn ra buổi thảo luận dưới sự chủ trì của ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch tập đoàn truyền thông Lê- cùng với sự tham gia của ông Trần Hữu Minh - Phó Chành văn phòng Ủy ban ATGTQG đại diện cơ quan nhà nước, bà Phan Thị Ngọc Diễm - CEO công ty TNHH Truyền thông Ngọc Nam Phương và ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc điều hành & Đồng sáng lập Elite PR School, Chuyên gia về Văn hóa và Truyền thông.

Theo ông Trần Hữu Minh, nâng cao văn hóa đi xe ô tô nằm một phần ở công tác giáo dục, tuyên truyền: "Trong quá trình giáo dục người dân trước đây, các cơ quan quản lý thường nhấn mạnh vào hoạt động phải làm thế này và phải làm thế kia, nếu không sẽ vi phạm pháp luật. Cá nhân tôi thấy đó là sự bất hợp lý, người dân sẽ không làm đúng và không nhớ được". Ở góc độ một người làm truyền thông, bà Phan Thị Ngọc Diễm đưa ra ý kiến khá hay, đó là giải pháp nâng cao văn hóa đi xe ô tô cũng có thể đến từ các doanh nghiệp.

"Khi bán một chiếc xe ra thị trường tới tay người tiêu dùng thì nhà sản xuất còn có trách nhiệm xã hội. Chẳng hạn, khi giao xe cho khách hàng, hãng xe cũng có thể chia sẻ một bộ văn hóa lái xe mà theo quan điểm của nhà sản xuất đó cho rằng đó là chuẩn mực", bà Phan Thị Ngọc Diễm chia sẻ quan điểm.

Trong khi đó, để nâng cao ý thức, văn hóa đi xe ô tô ông Nguyễn Đình Thành cho rằng, "lời giải nằm ở mỗi người dân, trước hết là cánh lái xe ô tô song song đó là các cơ quan nhà nước". Ông Nguyễn Đình Thành cũng nhắn nhủ tới cộng đồng, hãy luôn "nghĩ tới người khác trước khi lên xe, đã lên xe rồi và sau khi xuống xe".

Mạnh Quân

 


Ý kiến bạn đọc