Gần đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội có khoảng 2,5 triệu xe máy quá đát trước năm 2000 và cần phải có biện pháp thu hồi. Nhiều người dân cho rằng việc thu hồi phải công bằng, triệt để, đồng thời cũng nêu một số ý kiến băn khoăn.
Đồng tình nhưng còn nhiều băn khoăn
Ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường của thủ đô như Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Đê La Thành… xuất hiện khá nhiều xe máy, xe ba bánh, xe ô tô tải loại nhỏ chở hàng hóa tham gia giao thông. Do sử dụng lâu năm nhiều bộ phận hư hỏng, xả khói đen kịt.
Điển hình, tại tuyến đường Giải Phóng - nơi thường tập trung nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, máy móc - xuất hiện nhiều xe máy, xe ba gác cũ nát, phần máy được tái chế lại từ xe máy cũ. Nhiều xe chở nhôm, kính, sắt thép dài 3-4m chiếm hết lối đi của các phương tiện khác. Các loại xe này hầu hết đã xuống cấp sau thời gian dài phơi mưa nắng, chở hàng hóa nặng, bộ vỏ bên ngoài đổi màu, nứt vỡ được nhiều người gắn keo, buộc dây thép cố định. Nhiều bộ phận như giảm sóc, chân chống, giá chở hàng,… cũng được “độ” lại theo nhu cầu chở hàng.
Ông Lê Ngọc Thuận (49 tuổi, quê Thọ Xương, Thanh Hóa) chủ chiếc xe máy Honda Dream mua từ năm 2006, làm nghề chở hàng thuê ở đường Giải Phóng, cho biết, xe của ông xuống cấp và bị hư hỏng một số bộ phận, tuy nhiên nếu sửa chữa thay thế vẫn hoạt động tốt. Theo ông Thuận, nếu thành phố có chủ trương thu hồi xe cũ nát, hết niên hạn sử dụng thì ông sẵn sàng chấp hành nhưng cần phải có cách thu hồi cho hợp tình hợp lý và cần làm thật chặt chẽ.
“Trong khi xã hội phát triển thì phương tiện đi lại cũng hiện đại hơn đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Trong khi đó, những chiếc xe cũ hoạt động hàng chục năm đã xuống cấp, hư hỏng nhưng đó là tài sản của công dân nên cần phải có cách xử lý thỏa đáng” – ông Thuận chia sẻ.
Ông Thịnh – một người chở hàng thuê cho rằng, việc thu hồi xe cũ nát cần phải làm thật nghiêm đối với tất cả các loại xe đang tham gia giao thông. Ông Thịnh cũng đưa ra ví dụ, những chiếc xe ba bánh tự chế được lắp động cơ của xe máy cũ nát nhưng vẫn lưu thông hằng ngày trên khắp các tuyến đường. Nhều lúc, những xe này còn đi ngược chiều, chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông.
“Song song với việc thu hồi thì nhà nước cần phải có phương thức hỗ trợ thêm cho người dân. Nếu chiếc xe máy cũ đáng giá 3 triệu đồng nhưng khi thu hồi lại không hỗ trợ thì không thể mua được chiếc xe máy mới có giá khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, người dân lại không đủ khả năng mua, trong khi đó chiếc xe cũ vẫn đang hoạt động bình thường hoặc có thể hỗ trợ mua trả góp xe mới thì mọi người sẽ đồng thuận hơn” – ông Thịnh nói.
Nếu thu hồi, cần phải có luật
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc thu hồi xe cũ nát, hết niên hạn sử dụng hiện đang hoạt động là chủ trương đúng. Song việc thu hồi cũng phải tuân theo các quy định pháp luật, “không có Luật thì không được thu hồi” – luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, không chỉ việc thu hồi xe cũ nát, hết niên hạn sử dụng gặp khó khăn mà vấn đề về cách tiêu hủy xe như thế nào sẽ phát sinh hàng loạt các quy định pháp lý liên quan. Ví dụ như ở nước ngoài, khi xe hết niên hạn sử dụng thì chủ sở hữu phải mất tiền để tiêu hủy chứ không thể đem ra bỏ ở bãi rác.
“Việc thu hồi xe cũ nát, quá niên hạn cần có một cơ chế đồng bộ và nếu muốn thực hiện được thì cần phải xây dựng hệ thống, nghiên cứu các quy định pháp luật và hệ quả xã hội cũng như tham khảo các nước đã có quy định liên quan đến niên hạn xe” – luật sư Tuấn Anh cho biết.
Theo Tiền phong
Ý kiến bạn đọc