Vì sao các doanh nghiệp Việt lúng túng trong việc định giá thương hiệu?

06:43, 07/12/2017
|
(VnMedia) - Theo quan điểm của ông Lại Tiến Mạnh- Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand, những quy định về pháp lý của Việt Nam chưa chặt chẽ và rõ ràng đã khiến các doanh nghiệp tỏ ra lúng túng trong việc định giá khi tiến hành mua bán sáp nhập. 
 
Chia sẻ với báo chí về định giá thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Lại Tiến Mạnh cho biết, hiện nay định giá các thương hiệu mạnh tại Việt Nam vẫn còn là khái niệm tương đối mới. Mặc dù trên thế giới định giá thương hiệu đã rất phổ biến và trong các hoạt động mua bán, sáp nhập, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền mua thương hiệu với giá trị rất cao.
 
Theo tính toán của Brand Finance, đáng lẽ nhà đầu tư Nhật Bản phải trả thêm 10 triệu USD nữa mới xứng đáng với giá trị của Vietnam Airlines tại thời điểm đó. Ảnh minh họa
Theo tính toán của Brand Finance, đáng lẽ nhà đầu tư Nhật Bản phải trả thêm 10 triệu USD nữa mới xứng đáng với giá trị của Vietnam Airlines tại thời điểm đó. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, ở Việt Nam, làn sóng mua bán, sáp nhập khá mới mẻ và chỉ xảy ra trong thời gian vài năm vừa qua. Do đó, chúng ta đã bỏ lỡ khá nhiều thương hiệu nếu được đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại giá trị cao. Đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước, khi mua bán, sáp nhập, các nhà đầu tư không chịu trả những khoản phí cho thương hiệu sẽ trở thành những thất thoát rất lớn cho Nhà nước.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand đã đơn cử như trường hợp của hãng hàng không Vietnam Airlines vừa qua khi được mua và sáp nhập với nhà đầu tư Nhật Bản. Theo tính toán của Brand Finance, thương vụ đó đáng lẽ nhà đầu tư Nhật Bản phải trả thêm 10 triệu USD nữa mới xứng đáng với giá trị của Vietnam Airlines tại thời điểm đó.
 
Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand cho biết có hai lý do.Thứ nhất là, quy định về pháp lý của Việt Nam chưa được chặt chẽ và rõ ràng. Chính điều này đã khiến các công ty lúng túng trong việc là khi tiến hành định giá thương hiệu khi mua bán sáp nhập.
 
Thứ 2, năng lực của các công ty trong nước (tức chuyên môn) trong vấn đề định giá chưa được cao. Để khắc phục điều này, chúng ta có thể nhờ cậy vào chuyên môn của các công ty chuyên nghiệp trên thế giới.
 
Đánh giá về Top 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam hiện nay, ông Mạnh cũng cho biết có nhiều điều thú vị.
 
Theo đó, trong Top 50 thương hiệu giá trị lớn nhất của Việt Nam được Brand Finance công bố có đến 11 thương hiệu mới lần đầu tiên xuất hiện trong Top 50 này, đồng nghĩa với việc 11 thương hiệu khác đã bị loại ra khỏi danh sách đó. Bài học ở đây là phải luôn chú ý gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển thương hiệu để giảm thiểu nguy cơ có thể tụt giảm vị trí thương hiệu.
 
Mặc dù vậy, xét trên tổng thể chung, hầu hết các thương hiệu Việt đang tăng giá trị rất tốt. Và điều đó chứng tỏ ngày càng nhiều doanh nghiệp chú ý và quản lý tốt hơn giá trị tương hiệu của mình, để làm sao tổng giá trị thương hiệu được tăng lên. Đây chính là chỉ dấu trong khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh hội nhập hiện nay.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc