Ông Trịnh Văn Quyết: "Năm 2018, VN-Index tiến đến mốc 2.000 điểm là có thể xảy ra"

11:34, 28/12/2017
|

(VnMedia)- Từng bị nghi ngờ là “lạc quan thái quá” về thị trường chứng khoán năm 2017, những dự báo của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC về tăng trưởng thị trường chứng khoán đến nay đã gần như chính xác toàn bộ. Ở thời điểm này, nhìn nhận lại một năm đã qua và đánh giá triển vọng năm 2018, ông Quyết cho rằng, câu chuyện VN-Index cán mốc 1.000 điểm chỉ là vấn đề thời gian, thậm chí 2.000 điểm cũng không phải là quá bất ngờ.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC

Trên facebook cá nhân đầu năm 2017, ông cho rằng chứng khoán là kênh đầu tư tốt nhất của năm và chứng khoán Artex – nơi ông tham gia đầu tư thậm chí còn cho rằng, chỉ số VN-Index có thể chạm mức 1.000 điểm. Cảm nghĩ của ông như thế nào khi những dự báo trên đã cơ bản thành hiện thực?

- Ông Trịnh Văn Quyết: Tôi cảm thấy vui thôi, vì mình không những đã dự báo đúng, mà còn chia sẻ được quan điểm của mình cho người thân, bạn bè mình. Còn việc thị trường diễn biến đến thời điểm này, tôi thấy bình thường, vì nó cần phải thế.

Như bạn thấy đấy, thị trường chứng khoán đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhiều yếu tố, trong đó 4 vấn đề nòng cốt tác động chính là sự ổn định chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ; tăng trưởng kinh tế tốt; vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh và quyết tâm thoái vốn của Chính phủ ở những doanh nghiệp, tổng công ty lớn của nhà nước – vốn là đối tượng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước săn đón, kỳ vọng.

Vậy theo ông, thị trường có nguy cơ chạm vùng đỉnh chưa?

Đến thời điểm này, VN-Index lúc cao nhất vẫn chưa chạm được 1.000 điểm, và nhiều người vẫn chỉ kỳ vọng vào mốc này thôi. Nhưng tôi lại cho rằng, câu chuyện vượt 1.000 điểm của VN-Index chỉ là vấn đề thời gian, và việc thị trường nếu có chạm mốc 2.000 điểm cũng không có gì là bất ngờ.

Ông có thể cho biết vì sao lại kỳ vọng lớn vào thị trường như vậy?

Vẫn là những câu chuyện cũ thôi, nhưng mức độ tác động thì đang ngày một lớn hơn.

Như hôm nay chúng ta đã thấy, tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam đã lên tới con số 6,81% là mức cao nhất trong 5 năm gần đây, trong đó riêng quý 4 tăng 7,65%. Đây là một tín hiệu rất khả quan và đáng khích lệ cho cả nền kinh tế, cho thấy tính đúng đắn của các chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng và Chính phủ. Việc tăng trưởng GDP các quý tăng mạnh theo thời gian gợi ý về một đà quán tính hỗ trợ cho dự báo khả quan về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018.

Nền kinh tế như một cỗ xe đang vận hành tốt và bước vào chu kỳ tăng tốc, lại được hỗ trợ bởi hàng loạt chính sách vĩ mô, trong bối cảnh ổn định về chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá… sẽ là yếu tố kích thích đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm, vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là động lực rất lớn với nền kinh tế, sẽ tạo cú hích cho tăng trưởng các mảng, và đương nhiên, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi. Một ví dụ dễ thấy là, như thời gian qua, vốn từ các nước trong khu vực châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Hàn Quốc đổ rất mạnh vào các doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán. Tôi tin rằng, việc xuất hiện lượng tiền rất lớn đổ trực tiếp vào thị trường chứng khoán trong năm qua và thời gian tới sẽ là yếu tố thổi bùng thị trường chứng khoán năm 2018.

Thêm vào đó, câu chuyện về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn nhà nước đến thời điểm hiện nay vẫn đang còn nguyên tính thời sự. Sự hưng phấn của nhà đầu tư sau câu chuyện của SAB sau khi thoái vốn đã giảm ngay lập tức, nhưng xét về mặt lâu dài, đây vẫn là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán, khi không chỉ nền kinh tế có thêm nguồn lực lớn, mà còn cho thấy định giá các doanh nghiệp trong nước của nhà đầu tư ngoại rất khác biệt và lớn hơn rất nhiều những lợi thế chúng ta nhìn thấy như thói quen đánh giá của doanh nghiệp trong nước.

Ông đánh giá như thế nào về xu hướng và tác động trực tiếp của dòng vốn ngoại lên thị trường chứng khoán?

Như tôi đã nói rồi, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán đã tăng mạnh, sẽ tăng và thậm chí còn mạnh hơn nữa.

Ngay FLC trong thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư ngoại. Họ chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Ngay các lần xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, chúng tôi luôn trong tình trạng số khách đăng ký vượt quá con số dự kiến ban đầu, và họ quan tâm rất nhiều đến không chỉ FLC mà còn là cơ hội chung đầu tư vào Việt Nam. Tôi tin rằng, năm 2018 là năm hứa hẹn của nhiều hơn nữa những hợp tác của các doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, mà FLC là một phần của xu hướng đó.

Thu Hải