(VnMedia) -
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2017. So sánh giữa năm 2017 và năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tăng 1,5 lần.
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy, trong năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
"Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011 - 2017. So sánh giữa năm 2017 và năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6 lần, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tăng 1,5 lần", Cục Đăng ký quản lý kinh doanh cho hay.
Như vậy, 2017 là năm mà số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, tất cả các quy mô vốn đăng ký trong năm 2017 đều có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: quy mô vốn đăng ký từ 10 - 20 tỷ đồng có tỷ lệ tăng lớn nhất là 34,3% với 6.171 doanh nghiệp; tiếp đến là trên 100 tỷ đồng có 1.516 doanh nghiệp, tăng 29,2%; từ 20 - 50 tỷ đồng có 3.224 doanh nghiệp, tăng 27,8%; từ 50 - 100 tỷ đồng có 1.334 doanh nghiệp, tăng 15,0% và từ 0 - 10 tỷ đồng có 114.614 doanh nghiệp, tăng 13,9%.
Với số liệu trên có thể thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 90,3% trên tổng số doanh nghiệp đăng ký mới.
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2017 với cùng kỳ năm ngoái phân theo lĩnh vực hoạt động cho thấy, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Khai khoáng giảm ở số lao động đăng ký; ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm về số vốn đăng ký và số lao động đăng ký; ngành Vận tải kho bãi giảm cả về số lượng doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký. Các ngành còn lại đều tăng ở cả 3 chỉ tiêu là số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký.
Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng doanh nghiệp cho thấy, ngành Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016 thì ngành Kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 62%.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tập trung phần lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng.
Xét về lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng vẫn chiếm số lượng lớn, còn xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động so với cùng kỳ năm 2016, thì vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung lại chiếm tỷ trọng lớn nhất so với các vùng khác.
Về tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong năm qua có một số ngành tăng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; tiếp đó là Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Vận tải kho bãi; Hoạt động dịch vụ khác; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác và cuối cùng là ngành Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy.
Liên quan đến tình hình doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong năm 2017, Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 38.869 doanh nghiệp, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong năm qua chỉ có quy mô vốn doanh nghiệp đăng ký dưới 10 tỷ đồng là có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2016 và quy mô vốn doanh nghiệp đăng ký từ 50 - 100 tỷ đồng có số doanh nghiệp không thay đổi so với cùng kỳ năm 2016. Các quy mô vốn doanh nghiệp đăng ký khác đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: quy mô vốn đăng ký từ 20 - 50 tỷ đồng có 984 doanh nghiệp, tăng 13,1%; từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.539 doanh nghiệp, tăng 6,8% và trên 100 tỷ đồng có 340 doanh nghiệp, tăng 5,3%.
Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 91,6% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.
Minh Ngọc (Đồ họa: Ngọc Hoa)
Ý kiến bạn đọc