Năm 2018: Triển vọng kinh tế khả quan, tăng trưởng có thể đạt 6,5 - 6,8%

16:50, 26/12/2017
|
(VnMedia) - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,5 - 6,8%. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát, tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng.
 
Sáng nay (26/12), Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017, một ấn phẩm thường niên từ năm 2013.
 
Tăng trưởng năm 2017 có thể cao hơn 6,7%
 
Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đó là tăng trưởng kinh tế dự báo cao hơn mục tiêu đề ra là 6,7%. Nền tảng vĩ mô tiếp tục được thiết lập vững chắc, môi trường kinh doanh được cải thiện với sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế. Nền tảng tài chính được củng cố, hỗ trợ cho tăng trưởng với việc cơ cấu thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần phụ thuộc vào khu vực ngân hàng, cung ứng vốn từ thị trường vốn gia tăng.
 
Về cân đối ngân sách, bội chi so với GDP năm 2017 ở mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Cơ cấu thu chi cải thiện tích cực hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngân sách. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN chiếm 81,5%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (68%), dần tiến tới mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 (84 - 85%).
 
Tại Hội thảo sáng nay (26/12)
Tại Hội thảo sáng nay (26/12)
Cùng với đó, thu ngân sách Nhà nước đạt cao hơn kế hoạch do các khoản thu chính đều vượt và bằng dự toán. Nợ công so với GDP giảm dự kiến còn 62,6% so với cuối năm 2016 là 63,6%, do tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu lại ngân sách, nợ công của Chính phủ. Theo đó, dư nợ và áp lực trả lãi của Chính phủ có xu hướng giảm.  
 
Đưa ra dự báo triển vọng kinh tế năm 2018, NFSC cho rằng, với những nền tảng tích cực của năm 2017, triển vọng năm 2018 tiếp tục khả quan. Ở trong nước, tổng cung của nền kinh tế được dự báo sẽ cải thiện nhờ hưởng lợi từ các chính sách cải thiện bên cung theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ.
 
Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ được hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao. Công nghiệp chế biến dự báo tiếp tục tăng trưởng khá nhờ sự mở rộng đầu tư của khu vực DN FDI. Khu vực dịch vụ cũng tiếp tục có khả năng tăng trưởng mạnh như trong hai năm vừa qua nhờ tăng trưởng bán buôn bán lẻ và lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh. Khu vực tư nhân sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018.
 
Tăng trưởng kinh tế 2018 tiếp tục khả quan
 
Tại Hội thảo sáng nay, dự báo lạm phát năm 2018, NFSC cho rằng, lạm phát sẽ chịu áp lực chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm. Giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 - 2020 nên được dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể, tương đương năm 2017, khoảng 2 - 2,5 điểm %.
 
Trong khi đó, giá thực phẩm 2017 giảm chủ yếu vì sự sụt giảm của giá thịt lợn do dư cung. Do vậy, nhiều khả năng năm 2018 giá thực phẩm sẽ phục hồi khi nguồn cung thịt lợn giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh tác động không nhỏ đến lạm phát năm 2018.
 
"Tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2017 sang năm 2018 không lớn do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2017 ước đạt 2,04 lần, giảm so với mức 2,81 lần của năm 2016. Giá hàng hóa thế giới sẽ không gây áp lực nhiều lên lạm phát do dự báo ít biến động trong năm 2018 và giá dầu được dự báo chỉ tăng nhẹ 6% so với mức tăng 24% của năm 2017", Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
 
Về lạm phát năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo tương đương mức năm 2017, dưới 4%. Tuy nhiên, nếu giá điện tăng mạnh thì lạm phát có thể tăng cao hơn. Ước tính nếu giá điện tăng 8 - 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm %.
 
Bên cạnh những yếu tố trên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng dự báo, tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,5 - 6,8%. Theo đó, 6,5% là mức tăng trưởng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát, tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Bên cạnh đó, nếu các chính sách cải thiện cung phát huy tác dụng thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn. 
 
Minh Ngọc