(VnMedia) –
Theo quan điểm của ông Lại Tiến Mạnh- Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand, việc định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt với giá trị 0 đồng là một sai lầm. Bởi bất kỳ thương hiệu nào cũng có tài sản vô hình và hữu hình nên đều có thể định giá, dù ít hay nhiều.
Doanh nghiệp nào cũng có thể định giá tài sản
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra khốc liệt hơn. Vì vậy, bất kì doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến thương hiệu. Bởi thương hiệu chính là tài sản vô giá, là thước đo cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Do đó, giá trị thương hiệu và định giá thương hiệu là câu hỏi quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ quan tâm nhất là khi doanh nghiệp cổ phần hoá, tham gia thị trường chứng khoán.
Thời gian vừa qua, câu chuyện định giá thương hiệu đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là khi Hãng phim truyện Việt Nam được đơn vị tư vấn cổ phần hóa định giá 0 đồng.
Trả lời câu hỏi của PV về quan điểm khi một doanh nghiệp được định giá 0 đồng? ông Lại Tiến Mạnh- Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand nhận định, việc định giá thương hiệu doanh nghiệp Việt với giá trị 0 đồng là một sai lầm. Bởi bất kỳ thương hiệu nào cũng có tài sản vô hình và hữu hình nên đều có thể định giá, dù ít hay nhiều.
Theo ông Mạnh, việc định giá thương hiệu doanh nghiệp 0 đồng cho thấy lỗ hổng về quy định pháp lý của Việt Nam còn chưa chặt chẽ. “Nếu chúng ta quy định rõ ràng trong vụ các vụ mua bán sáp nhập hay cổ phần hóa doanh nghiệp rằng, khi tính toán giá trị đơn vị cần cân đối và phân định rõ ở hai nhóm tài sản khác nhau là hữu hình và vô hình. Trong đó, tài sản hữu hình có thể cân đối và các nhà đầu tư có thể tính toán được tài sản vô hình”, Giám đốc Công ty cổ phần Mibrand bày tỏ quan điểm.
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - Nielsen khu vực phía Bắc, công tác xây dựng thương hiệu vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Vì vậy, việc đo lường sức mạnh thương hiệu phải được làm thường xuyên.
Theo phân tích của bà Hà, thương hiệu là cầu nối quan trọng giữ doanh nghiệp với người tiêu dùng. Bởi không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm của mình. “Khi doanh nghiệp thực sự là thương hiệu mạnh, khách hàng sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm dù giá có cao hơn các đơn vị khác. Lợi thế của thương hiệu mạnh là khả năng gia tăng thị phần của đơn vị”, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - Nielsen khu vực phía Bắc đánh giá.
Thương hiệu được xem là tài sản vô giá của doanh nghiệp
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công Thương, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước hết sức quan tâm là hoạt động định giá tài sản thương hiệu, đây cũng là nhu cầu thiết thực đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cũng theo ông Phú, thương hiệu được coi là tài sản vô giá của doanh nghiệp, thậm chí tại nhiều doanh nghiệp tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản vật chất. Do vậy việc định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính hết sức quan trọng góp phần giảm thiểu thất thoát cho Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa và tránh thiệt thòi cho đơn vị trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền…
Tuy nhiên, ông Phú cũng thừa nhận, định giá thương hiệu vẫn là khái niệm khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Mặc dù làn sóng mua bán sát nhập đã xảy ra nhưng do chưa nhận thức và định giá một cách chuẩn tắc theo quy định quốc tế nên giá trị của một số thương hiệu đã không được đánh giá đúng. Thậm chí đã có thương hiệu chịu thiệt trong quá trình mua bán sát nhập.
Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance vùng Châu Á Thái Bình Dương cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy sản xuất bán hàng mà không quan tâm đến thương hiệu là một sai lầm lớn.
“Các doanh nghiệp phải biết rõ được rằng thương hiệu của mình trị giá bao nhiêu, thì mới xác định chính xác chiến lược kinh doanh của mình. Và khi có thương hiệu các doanh nghiệp cần xây dựng, giữ gìn và phát triển”, ông Samir Dixit nói.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc