Doanh nghiệp Việt được định giá tốt nhưng vẫn rất thấp so với khu vực

06:44, 05/12/2017
|
(VnMedia) -  Theo ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance vùng châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù Việt Nam trong vài năm gần đây có những vụ chuyển nhượng, sát nhập rất lớn nhưng giá trị thực vẫn chưa được đánh giá đúng. So với các nước trong khu vực và thế giới, giá trị thương hiệu của Việt Nam đang ở mức thấp.
 
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn thương  hiệu Việt Nam 2017 với chủ đề “Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, được Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12.
 
Định vị thương hiệu là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp
 
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra khốc liệt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
 
Một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước hết sức quan tâm là hoạt động định giá tài sản thương hiệu, đây cũng là nhu cầu thiết thực đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam.
 
Theo Cục Xúc tiến thương mại, thương hiệu được coi là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Thậm chí tại nhiều doanh nghiệp tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản vật chất. Do vậy, việc định giá giá trị thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính hết sức quan trọng, góp phần giảm thiểu cho Nhà nước về thất thoát trong quá trình cổ phần hóa và tránh cho doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập… Có thể xem định giá thương hiệu hiện nay là hoạt động cần thiết đồng thời là định hướng ưu tiên của mỗi doanh nghiệp.
 
Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance vùng Châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2017
Ông Samir Dixit – Giám đốc điều hành Brand Finance vùng Châu Á Thái Bình Dương phát biểu tại Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2017
Theo bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - Nielsen khu vực phía Bắc cho biết, định vị thương hiệu là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. Bởi thương hiệu mạnh sẽ cho phép doanh nghiệp gia tăng con số, mở rộng kinh doanh dựa trên uy tín có sẵn trên thị trường. Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu.
 
Theo phân tích của bà Hà, hiện có 80% người tiêu dùng mua theo thói quen và không suy nghĩ nhiều khi quyết định lựa chọn thương hiệu uy tín. “Hành động mua sắm sản phẩm là thể hiện yếu tố bản thân của người tiêu dùng. Và thương hiệu mạnh sẽ đảm bảo lợi ích khách hàng, giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường”, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng - Nielsen khu vực phía Bắc chia sẻ.
 
Thương hiệu Việt chưa được định giá đúng với giá trị thực
 
Theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, thương hiệu quốc gia (hay còn gọi là Nhãn sản phẩm quốc gia) là nhãn hiệu dùng cho sản phẩm của một nước, thường tổ chức xúc tiến thương mại của nước đó chủ trì phát hành, nhằm quảng báo hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
 
Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance vùng Châu Á Thái Bình Dương, thương hiệu là tài sản có giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh, nhưng ít được quan tâm bởi các nhà quản lý, những người bận rộn với việc thúc đẩy sản xuất bán hàng và lợi nhuận.
 
“Quản lý thương hiệu là điều quan trọng để thúc đẩy việc định giá cổ phiếu, sáp nhập và mua bán cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như toàn cầu. Vì vậy, phương pháp tiếp cận quản lý thương hiệu cơ bản phải thay đổi với việc tập trung mạnh hơn vào đo lường giá trị kinh tế và sự trở lại của cổ đông mà thương hiệu có thể mang đến”, ông Samir Dixit cho hay.
 
Cũng theo ông Samir Dixit, mặc dù Việt Nam trong những năm gần đây đang có những chuyển nhượng sát nhập với những thương vụ rất lớn nhưng giá trị thực vẫn chưa được đánh giá đúng.
 
“Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài để ý đến các doanh nghiệp Việt, vậy nên các doanh nghiệp phải biết định giá khi có ý định niêm yết, phá sản, hay chuyển nhượng… Thời gian vừa qua, có nhiều thương hiệu Việt được định giá nghe có vẻ rất tốt, nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới, giá trị thương hiệu của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp. Trong tốp 500 doanh nghiệp có thương hiệu lớn nhất trên thế giới chúng tôi không tìm thấy tên tuổi của một doanh nghiệp nào của Việt Nam”, ông Dixit cho biết.
 
Ông Đặng Xuân Minh - Tổng giám công ty AVM Việt Nam, đồng sáng lập Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, hiện làn sóng M&A phát triển mạnh mẽ trên thế giới và định giá có yếu tố quan trọng trong đàm phán quyết định M&A.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Minh đã đưa ra chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Kem Tràng Tiền. Cụ thể, tại thời điểm cổ phần hóa, doanh nghiệp chỉ được định giá 3 tỷ đồng. Nhưng cách đây vài năm, kem Tràng tiền có giá trị chuyển nhượng được ước tính lên tới 500 tỷ đồng, riêng giá trị thương hiệu là 150 tỷ đồng.
 
Ông Minh cho rằng, trong bối cảnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh, cần thiết phải có cơ sở pháp lý rõ hơn về định giá thương hiệu. Quá trình cổ phần hóa cần đấu giá công khai, minh bạch và đẩy mạnh định giá thương hiệu theo chuẩn mực quốc tế.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc