(VnMedia) -
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông, thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu khăt khe nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo: "Nâng cao nhận thức về các điều khoản SPS mới của hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)", do dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức tại Hà Nội sáng 8/11.
EVFTA sẽ thúc đấy tăng trưởng xuất khẩu
Hiệp định Thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được đánh giá có sức lan tỏa rất lớn giữa các nước thành viên, cùng với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể tận dụng hết các ưu đãi do hiệp định mang lại.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer – Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, EVFTA sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư EU vào Việt Nam. Bởi hiệp định này hướng tới việc xóa bỏ thuế quan, giải quyết các rào cản kỹ thuật trong thương mại và minh bạch hóa môi trường pháp lý thân thiện với doanh nghiệp.
Còn theo bà Miriam Garcia Ferrer, mặc dù việc đàm phán hiệp định thương mại EVFTA đã kết thúc từ cuối năm 2015 nhưng quan trọng hơn là các bên phải hoàn thiện khung pháp lý và đáp ứng các yêu cầu mà Hiệp định đưa ra.
Theo thông tin chia sẻ tại Hội thảo, với tính toàn diện, chất lượng cao, phạm vi cam kết rộng, hiệp định có thể có tác động đáng kể đối với kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, khi EVFTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU vào Việt Nam cũng sẽ tăng 20 - 25%. Đồng thời, hiệp định này cũng trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Trên thực tế, trong những năm qua, thương mại Việt Nam-EU liên tục tăng trưởng. Cơ cấu hàng hóa giao thương đan xen, nhưng nhìn chung, Việt Nam liên tục xuất siêu, trong đó có mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 3,8 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 2,3 tỷ USD, gấp 6,3 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 14,5%/năm.
Đáng chú ý, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và việc đàm phán và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do, Việt Nam đang có nhiều cơ hội cũng như thách thức mới. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi cả về mặt pháp lý cũng như về nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết, đang chờ phê chuẩn để đi vào thực hiện. Việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thực vật và kiểm dịch động thực vật (SPS) được quy định cụ thể trong Chương SPS của Hiệp định EVFTA. Chương SPS tạo cơ hội thuận lợi cho thương mại nông sản thực phẩm giữa Việt Nam và EU, tuy nhiên Việt Nam và EU cũng cần phải có sự thay trong quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tế khi triển khai.
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông, thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu khăt khe nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Tử Cương, chuyên gia dự án EU-Mutrap cho rằng, khi Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam sẽ có lợi thế cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản do thuế suất bằng 0 và sản phẩm về cơ bản không xung đột với sản phẩm của các nước thuộc EU. EU cũng có lợi thế về các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo ông Cương, để Việt Nam được hưởng những lợi thế trên, các doanh nghiệp phải hiểu rõ SPS, có hệ thống tổ chức tinh gọn, đúng yêu cầu chuyên môn, đảm bảo công bằng (hàng xuất khẩu và nhập khẩu kiểm soát như nhau) và minh bạch (mọi quy định đều trên cơ sở đánh giá nguy cơ/không nhằm dựng rào cản thương mại).
Cũng theo chuyên gia dự án EU-Mutrap, nhiều lĩnh vực của Việt Nam vẫn chưa gắn kết trong kiểm soát mối nguy an toàn cho sức khỏe động vật, thực vật và An toàn thực phẩm. Hơn nữa, rất khó kiểm soát theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn, hoặc từ ao nuôi đến bàn ăn.
Để giải quyết các vấn đề trên, ông Nguyễn Tử Cương kiến nghị, về lâu dài, Việt Nam nên có một cơ quan đảm nhận nhiệm vụ SPS và cơ quan này có thể trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc trực thuộc Chính phủ nhằm kiểm soát An toàn sức khỏe động thực vật trên cạn và An toàn thực phẩm đối với các sản phẩm này. Ngoài ra, nên xây dựng giáo trình SPS hoàn chỉnh cho động, thực vật trên cạn và thủy sản.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc