(VnMedia) –
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thiếu vốn là chủ đề được đề cấp nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và chuyển đổi.
Kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò quyết định trong giải quyết việc làm
Chia sẻ về những khó khăn của kinh tế tư nhân, ông Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cốt lõi trong tài chính đối với khu vực kinh tế tư nhân là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng tài chính và xử lý các vấn đề tài chính khi doanh nghiệp phá sản hay giải thể theo quy luật thị trường.
“Thiếu vốn là chủ đề được đề cấp nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và chuyển đổi”, ông Ánh nhận định.
Cũng theo ông Ánh, quy mô nhỏ phổ biến trong khu vực kinh tế tư nhân là tự nhiên và hợp lý, do đa số doanh nghiệp mới thành lập trong nền kinh tế có qui mô nhỏ với GDP hàng năm khoảng 200 tỷ USD.
Cùng với đó, quy mô nhỏ của kinh tế tư nhân không chỉ là hạn chế mà trong chừng mực nào đó là ưu thế, đảm bảo tính linh hoạt cho nó với tư cánh là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế quốc dân. Thêm vào đó, tích tụ vốn là một quá trình lâu dài và tập trung vốn cần theo quy luật kinh tế chứ không thể dùng các biện pháp hành chính.
Theo vị chuyên gia này, kinh tế tư nhân đang và sẽ đóng vai trò quyết định trong giải quyết việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, phát triển kinh tế tư nhân là chìa khóa để giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Liên quan đến thuế, chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng được các doanh nghiệp khu vực tư nhân nói đến nhiều. Bởi, hầu hết các ý kiến đều cho rằng thuế hiện nay quá cao do đó yêu cầu được ưu đãi, miễn thuế, chính sách thuế mang nặng tính tận thu và kết quả là hệ thống thuế quá phức tạp với những ưu đãi tràn lan không công bằng.
Theo ông Ánh, yêu cầu tối ưu đối với hệ thống thuế của nước ta hiện nay là đơn giản và bình đẳng. “Hai sắc thuế quan trọng nhất đối với kinh tế tư nhân là thuế nhu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đều cần được cải thiện theo hướng giảm và thống nhất thuế suất. Chúng tôi cho rằng, nên áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng chung ở mức 10%, đồng thời thống nhất một mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 15% hoặc 20%”, vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm.
Cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh
Theo các chuyên gia, hiện nay môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Bằng chứng, theo xếp hạng môi trường kinh doanh trên thế giới năm 2017 do Ngân hàng thế giới khảo sát (doing business), Việt Nam đứng thứ 82 trên 190 nước, tức là đạt mức trung bình. Cùng với đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân nói chung, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng được xác định là động lực quan trong của nền kinh tế, song đa số đều đang đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, từ khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh như đất đai, mặt bằng kinh doanh, vốn tín dụng, lao động có trình độ cao… đến rào cản về thủ tục hành chính, hạn chế về cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường, quản trị doanh nghiệp…
Đưa ra giải pháp để kinh tế tư nhân trở thành động lực, ông Đặng Hùng Võ – Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho sự tham gia của khu vực tư nhân, dựa trên đơn giả hóa hơn nữa các thủ tục hành chính. Kiểm soát triệt để tham nhũng, nâng cao yếu tố quản trị công tốt trong quản lý doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước mở rộng và trợ giúp thị trường dịch vụ phát triển kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cho khu vực tư nhân, tạo khả năng tiếp cận công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ, định hướng phát triển thế hệ công nghệ 4.0. Ngoài ra, cần tạo cơ chế để khu vực tư nhân dễ dàng và công bằng trong tiếp cận tài chính phục vụ phát triển kinh doanh.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc