Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng mạnh, vượt Trung Quốc và Indonesia

09:43, 01/11/2017
|
(VnMedia) - Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam năm 2018 xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với đánh giá trong năm 2017 (82/190 nền kinh tế). Trong khi đó, Trung Quốc xếp hạng 78, Indonesia xếp thứ 72.
 
Môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc
 
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh, một nghiên cứu theo dõi mức độ thuận lợi kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), các hoạt động cải cách môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó riêng năm ngoái các nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện 45 biện pháp cải cách, đưa tổng số các biện pháp cải cách kinh tế tư nhân được thực hiện tại khu vực trong vòng 15 năm qua lên con số 371.
 
Cũng theo báo cáo, môi trường kinh doanh của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao vì có nhiều cải thiện từ chính sách của Chính phủ, trong đó có 8/10 chỉ số của Việt Nam tăng điểm.
 
Bảng xếp hạng của WB chỉ rõ, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 là ở vị trí thứ 68, cải thiện rất nhiều so với vị trí thứ 82 trong năm 2017. Với xếp hạng này, Việt Nam đã vượt Trung Quốc xếp hạng 78.
 
So sánh tương quan vị thế về môi trường kinh doanh của Việt Nam và ASEAN, Việt Nam cũng vượt khá nhiều nước trong khu vực.
 
Cụ thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp trên 6 nước là: Indonesia (xếp hạng 72), Philippines (xếp hạng 113), Campuchia (xếp hạng 135), Lào (xếp hạng 141), Myanmar (xếp hạng 171) và Timor - Leste (xếp hạng 178).
 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng sau 4 nước là Singapore (đứng vị trí thứ 2 thế giới về môi trường kinh doanh), Malaysia (vị trí 24), Thái Lan (vị trí 26) và Brunei Daruxalam(vị trí thứ 56).
 
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018, với 8 cải cách thực hiện được trong năm ngoái, Brunây Đarútxalam đã tinh giản thêm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhờ hoàn thiện quy trình xin giấy phép xây dựng, đồng thời cũng tăng cường tiếp cận tín dụng bằng cách ban hành luật mới về giao dịch bảo đảm, từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất về động sản và xây dựng được cơ chế đăng ký tài sản bảo đảm hiện đại, có thông báo rõ ràng. Nước này cũng tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu nhờ cải tiến Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục hải quan.
 
Năm ngoái, Thái Lan cũng thực hiện 8 cải cách, và đây là một kỷ lục mới tính riêng trong một năm của nước này. Thủ tục thành lập doanh nghiệp đã thuận lợi hơn nhờ bãi bỏ quy định phải có con dấu công ty cũng như yêu cầu phải xin phê duyệt quy định lao động nội bộ của Bộ Lao động. Nhờ đó mà thời gian cần để thành lập doanh nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 4,5 ngày so với 27,5 ngày trước đây. Với việc triển khai hệ thống thông tin địa lý, các cơ quan quản lý của Thái Lan cũng hoàn thiện thêm quy trình xin cấp đường điện và nâng cao tính ổn định của các quy định về quản lý đất.
 
Việt Nam: 1 trong 2 nước cải cách nhiều nhất 15 năm qua
 
Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, các nền kinh tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đều đạt kết quả tốt trong các tiêu chí Môi trường kinh doanh về Cấp giấy phép xây dựng và cấp điện. Chẳng hạn, để xây dựng một nhà kho hiện chỉ cần trung bình 138 ngày với chi phí là 2,2% giá trị công trình, so với mức bình quân toàn cầu là 158 ngày và chi phí 5,3% giá trị công trình.
 
Tuy vậy, cần còn tồn tại một số thách thức lớn trong những chỉ tiêu như Thực thi hợp đồng, trong đó có sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế trong khu vực. Ví dụ, về áp dụng các tập quán tốt quốc tế như các công cụ tự động hóa thủ tục tòa án, phương án giải quyết tranh chấp, thành lập tòa kinh tế chuyên ngành, Thượng Hải có điểm số toàn cầu cao nhất (15,5) trong chỉ số Chất lượng Quy trình Thụ lý, bằng với Ốtxtrâylia. Nhờ đó mà Trung Quốc được xếp thứ 5 toàn cầu trong chỉ số Thực thi hợp đồng.
 
Trái lại, Philipin cần tới 962 ngày để giải quyết tranh chấp thương mại, đứng thứ  149 toàn thế giới về tiêu chí này, trong khi Campuchia có mức chi phí cao nhất lên tới 103,4% giá trị khiếu kiện, đứng thứ 179 toàn cầu về chỉ tiêu này.
 
Điểm qua những thành công chính của khu vực trong vòng 15 năm qua, thành lập doanh nghiệp là chỉ tiêu cải cách phổ biến nhất, trong đó 74 trên tổng số 371 cải cách được thực hiện trong vòng 15 năm qua nhằm tạo thuận lợi để doanh nhân đăng ký lập doanh nghiệp mới. Nhờ đó mà chi phí bình quân để lập doanh nghiệp ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đã giảm 19% tính trên thu nhập đầu người, so với 59% của năm 2003.
 
Trong thời gian 15 năm qua, khu vực này đã thực hiện 17 cải cách trong lĩnh vực giải thể doanh nghiệp. Nhờ những cải cách này mà mức thu hồi vốn bình quân đã tăng từ 28,8% năm 2003 lên 37,3% hiện nay.
 
Cũng theo Báo cáo của WB, Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách. "Hiện nay, doanh nhân tại TP.HCM chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với 61 ngày và 31,9% thu nhập trong năm 2003", WB cho hay.
 
Bà Rita Ramalho, quyền Giám đốc Nhóm Chỉ số Toàn cẩu của Ngân hàng Thế giới, đơn vị thực hiện báo cáo, cho biết: "Trong vòng 15 năm qua, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã có tiến bộ đáng kể trong tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh đà cải cách đang tiếp tục gia tăng tại khu vực, những nền kinh tế đi sau sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình tốt của các nước láng giềng”.
 
Được biết, các chỉ tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh của WB dựa vào 10 tiêu chí đánh giá bao gồm: Thành lập doanh nghiệp, xin cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, nộp thuế, giao thương quốc tế, thực thi hợp đồng, xử lý khi mất khả năng thanh toán.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc