Con số về tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn chính xác!

07:08, 01/11/2017
|
(VnMedia) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế được công bố hàng năm là hoàn toàn chính xác. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu đặt ra và con số tăng trưởng này cũng hoàn toàn chính xác.
 
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên giải trình trước Quốc hội về tăng trưởng kinh tế tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 và dự kiến năm 2018. 
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, phương pháp thống kê của Việt Nam dựa trên cơ sở khoa học, phản ánh đúng thực tế khách quan và theo đúng các quy định của pháp luật về thống kê cũng như thông lệ và chuẩn mực quốc tế. “Các con số thống kê được công bố đã được các tổ chức quốc tế có uy tín như WB, IMF, ADB… công nhận”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm.

Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như 9 tháng đầu năm thì quý 4 phải tăng trưởng 7,4 - 7,5% thì cả năm mới đạt 6,7%.

“Quý 4 đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy là rất khó vì trong rất nhiều năm nay chưa năm nào đạt được tốc độ cao như thế này nên năm nay có thể không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh băn khoăn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quý 4 chỉ cần tăng trưởng 7,31% thì cả năm đã đạt 6,7%. “Hoàn toàn có niềm tin vững chắc rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4 đạt 7,31% vì theo quy luật, trong quý 4, bao giờ GDP bao giờ cũng tăng cao nhất trong năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, số liệu tăng trưởng kinh tế các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý lên xuống đột ngột không theo logic thông thường.

Con số mà đại biểu Hoàng Quang Hàm đưa ra dẫn chứng, đó là nếu quý IV năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý I năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, quý III và đạt mức cao là 6,68% ở quý IV năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề là quý I năm 2017 - chỉ còn 5,15%.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, nếu lý giải là do quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút thì không thuyết phục, bởi đã được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên có giảm sút cũng không thể giảm quá sâu. Nếu nói do quy trình ngân sách theo năm nên đầu năm chi ít thì cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh. Bởi quý I có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi và chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng.

“Chính phủ phải làm rõ điều này và có giải pháp khắc phục ngay không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở quý I/2018 và quý I các năm sau”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Giải ngân vốn ngân sách chậm

Về vấn đề giải ngân vốn ngân sách còn chậm, Bộ trưởng Dũng  cho rằng, do đặc thù của vốn trái phiếu Chính phủ là chỉ được phân bổ cho các dự án nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu chính phủ được Quốc hội thông qua, không được điều hoà sang các nguồn tiền khác. 
 
Trong khi đó, năm 2017 phải làm hai việc song song là vừa giao kế hoạch trung hạn và vừa giao kế hoạch hàng năm nên đã gặp nhiều lúng túng trong khâu chuẩn bị dự án, mất nhiều thời gian hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới.
 
Về khách quan thì phải thực hiện các quy định chặt chẽ hơn của pháp luật đầu tư công trong bối cảnh chưa quen với các quy định mới nên còn nhiều bất cập cũng như lúng túng. 
 
Về chủ quan, do việc chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự thủ tục cần thiết của các cơ quan liên quan. Trong đó, có trách nhiệm của các cơ quan tổng hợp, còn có sự nể nang, chưa đôn đốc kịp thời, thiếu kiên quyết. 
 
“Công tác dự kiến kế hoạch, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu năm còn nhiều hạn chế, dự kiến chưa sát thực tế. Việc chuẩn bị các dự án đủ điều kiện để phân bổ, giao vốn thì không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương nên xảy ra tình trạng chờ đợi lẫn nhau để tổng hợp và phải giao thành nhiều đợt để đáp ứng yêu cầu của nhiều bộ ngành địa phương”, Bộ trưởng khẳng định.
 
Việc giải ngân thấp, theo Bộ trưởng việc giao vốn chậm cũng là một nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu vì cơ bản chỉ chậm với những dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do chưa đủ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư theo quyết định của Luật đầu tư công. 
 
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường hay việc các bộ, ngành, địa phương triển khai các thủ tục sau khi được giao kế hoạch cũng mất rất nhiều thời gian như thủ tục hoàn thiện thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật của dự án, thủ tục đấu thầu chọn nhà thầu ký hợp đồng, thủ tục hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán khối lượng, thẩm định ở kho bạc... cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
 
Cần giải pháp để tăng thu
 
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã nêu ra, 8.000 tỷ đồng dành cho các công trình trọng điểm quốc gia nhưng đã 3 năm kể cả năm 2018 chưa bố trí và giải ngân đủ vốn. Hai chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và nông thôn mới mới sau 3 năm Trung ương mới bố trí vốn được 37.650 tỷ đồng, khoảng 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm nên khó đạt mục tiêu vốn cho 21 chương trình mục tiêu gắn với tất cả các lĩnh vực để cơ cấu lại nền kinh tế.
 
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu 0 tỉnh Nam Định đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung chính sách thu để thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước.

Qua nghiên cứu chính sách thu hiện hành và thực tế giám sát, đại biểu nhận thấy thời gian vừa qua nước ta đã ban hành nhiều chính sách thu để thực hiện mục tiêu phát triển. Đến thời điểm hiện nay và giai đoạn tới, một số chính sách không còn phù hợp, nếu không muốn nói là kìm hãm phát triển. Theo đại biểu, chính sách thu hiện nay có hai tồn tại lớn nhất, đó là: làm mất đi nguyên tắc quan trọng nhất, tính trung lập của thuế và làm phân tán nguồn lực nhà nước, làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu đề xuất những giải pháp khắc phục tồn tại trên, như cần mở rộng diện đối tượng chịu thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là các khoản thu từ đất đai; sửa đổi chế độ ưu đãi với hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm các đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 5% và tiến tới đưa về một mức thuế suất thay vì ba mức như hiện nay, giảm đối tượng được hoàn thuế VAT, sửa đổi, bổ sung quy định hoàn thuế VAT để khắc phục việc chậm hoàn thuế và tham ô tiền thuế.

Đại biểu cũng đề nghị bỏ chế độ ưu đãi theo đối tượng là dự án cụ thể và ưu đãi theo quy mô của dự án, thuế suất cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các vùng và các miền. Một số địa phương được quy định một khoản phụ thu với một số lĩnh vực ngành nghề có lợi thế so sánh; sửa đổi giá tính thuế đối với một số sắc thuế để chống thất thu cho ngân sách nhà nước như thuế tài nguyên. Đồng thời, cần mở rộng cơ sở thuế với thuế thu nhập cá nhân, tiến tới khi người có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và điều chỉnh mức thu phù hợp đối với nhóm thu nhập thấp, nhưng phải tăng cao hơn đối với nhóm có thu nhập cao để thực hiện việc điều tiết xã hội, nhằm đảm bảo đúng bản chất của thuế thu nhập cá nhân, không phải là thuế thu nhập cao như trước đây.

Khánh An

Ý kiến bạn đọc