Hiệp hội taxi Hà Nội tiếp tục lên tiếng về Uber, Grab

11:41, 31/10/2017
|
(VnMedia) - Trong cuộc gặp gỡ mới đây, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội taxi Hà Nội, Uber, Grab và các bên tiếp tục tranh luận về cách quản lý, loại hình dịch vụ đang cung cấp.
 
Tại cuộc gặp gỡ, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, cần đánh giá dịch vụ xe thí điểm xe hợp đồng trên các số liệu chứng cứ khoa học.
 
Cụ thể, cần phải làm rõ thuế, phí, thu ngân sách bao nhiêu đằng sau sự gia tăng nhanh chóng của 1 số hợp tác xã với số lượng xe thu gom từ 2000 xe lên đến hàng chục ngàn xe thí điểm. Cùng với đó, cần phải làm rõ có hay không những thất thu ngân sách.
 
Bên cạnh đó, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng nhắc tới số phận của những phương tiện tham gia xe hợp đồng taxi công nghệ: "Tương lai nào cho 50.000 xe thí điểm nếu chương trình dừng lại hoặc hạn chế, thì những người đầu tư xe sẽ làm gì với những xe đã mua, tương lai nào cho Grab Bike khi thành phố cấm xe máy, tương lai nào cho quy hoạch của các thành phố lớn, khi số lượng xe chạy dịch vụ chở khách dưới 9 chỗ vượt gấp nhiều lần quy hoạch".
 
Hiệp hội taxi Hà Nội và các hãng taxi có mặt tại cuộc gặp gỡ đều khẳng định, không phản đối Uber, Grab nhưng cần sự công bằng trong cạnh tranh kinh doanh, những điều tốt đẹp từ 2 hãng taxi công nghệ này đáng học hỏi và áp dụng.
 
“Một trong những khúc mắc lớn nhất là các biển báo cấm taxi ở 1 số khu vực và điều này không áp dụng với các phương tiện tham gia Uber và Grab. Trong thời gian tới, có thể sẽ xem xét kiến nghị để gỡ những biển báo cấm này để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”, đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ.
 
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội trích dẫn 3 điều trong văn bản số 9299 của Bộ Công Thương gửi Văn phòng Chính Phủ.
 
Theo đó, với quy định hiện hành tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua các ứng dụng thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này coi mình chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm điều này dẫn đến 3 hệ quả khi quản lý và không công bằng.
 
Cụ thể, các đơn vị này không chịu trách nhiệm về vấn đề bảo đảm an toàn hành khách và người trên đường trong khi chính họ là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.
 
Không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển truyền thống khác như taxi, xe ôm.
 
Trường hợp doanh nghiệp cung cấp, quản lý các ứng dụng này ở nước ngoài thì việc các doanh nghiệp đó hoạt động là không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO, vì Việt Nam không có cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới gây bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.
 
Theo văn bản của Bộ Công Thương, các ứng dụng thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách như Uber, Grab hiện nay cần được xác định là cung cấp dịch vụ của mình và cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Do đó, hoạt động này phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
 
Ngoài hoạt động vận tải, việc sử dụng các phần mềm ứng dụng này liên quan trực tiếp đến thông tin người sử dụng, đến việc thanh toán dịch vụ và các giao dịch khác, do vậy phải được nâng cao quản lý về khía cạnh thương mại điện tử.
 
Việc kiểm duyệt và quản lý các ứng dụng trên nhằm bảo đảm quản lý nhà nước và bảo về quyền lợi người tiêu dùng, do các ứng dụng đó cho phép người tiêu dùng trực tiếp thanh toán tiền dịch vụ (qua thẻ ngân hàng).
 
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cần nghiên cứu các biện pháp bảo đảm hoạt động bình đẳng giữa loại hình dịch vụ này với dịch vụ vận tải truyền thống.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc