(VnMedia)- AMD Group hiện đang tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc thay đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC - AMD. Động thái này diễn ra đồng thời với việc AMD Group vừa được chấp thuận phát hành thêm hơn 101 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên khoảng 1.666 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần vốn điều lệ hiện tại.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc AMD Group xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, vì sao AMD Group lại muốn đổi tên thành FLC – AMD ngay sau khi cổ đông lớn nhất của AMD là FLC Faros vừa tiến hành thoái 21% vốn tại đây?
Với hơn 50 dự án BĐS quy mô đã và sẽ triển khai, nhu cầu đá tự nhiên tại các công trình của FLC là vô cùng lớn. Tuy nhiên, nếu muốn tiến vào lĩnh vực này để tự khai thác, sản xuất, FLC có thể phải mất đến 10 năm. Trong khi đó, AMD đã sở hữu hệ thống hạ tầng bài bản, với nguồn lực tài chính tốt, công nghệ khai thác, chế tác hiện đại nhất thế giới và đang khẳng định được tên tuổi trong lĩnh vực đá tự nhiên tại Việt Nam.
Như vậy, việc gắn kết hai thương hiệu FLC và AMD sẽ giúp khai thác tối ưu thế mạnh của mỗi bên, mà người được lợi nhất ở đây sẽ là cổ đông và khách hàng.
FLC sẽ có nguồn cung chất lượng và bền vững còn AMD có đối tác tiêu thụ ổn định, uy tín. Thương hiệu đá tự nhiên của AMD cũng sẽ được mở rộng quảng bá qua hệ thống quần thể nghỉ dưỡng 5 sao đang trải rộng khắp Việt Nam của FLC.
Xin ông cho biết về tiềm năng của đá tự nhiên?
Cùng với sự phục hồi của ngành xây dựng từ năm 2014, chúng ta có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hầu hết các nhóm ngành vật liệu xây dựng, trong đó đáng chú ý là sự phục hồi ấn tượng của đá tự nhiên, sau một thời gian bị lấn át bởi các vật liệu nhân tạo.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đá tự nhiên được hình thành qua nhiều triệu năm, có độ bền hiếm vật liệu nhân tạo nào so sánh được. Vẻ đẹp, sự sang trọng và tính bền vững của vật liệu này được chứng minh qua những công trình kiến trúc đỉnh cao trên khắp thế giới, từ Á sang Âu và tất nhiên, không thể thiếu Việt Nam.
Nhu cầu tiêu thụ đá tự nhiên trên thị trường quốc tế đang rất lớn còn ở Việt Nam chúng ta gần như phải nhập khẩu 100% với chi phí khá cao.
Đó là lý do AMD đã quyết định đầu tư chủ lực vào sản xuất và chế biến đá tự nhiên vì đây là một trong những vật liệu xây dựng có tiềm năng thị trường lớn nhất hiện nay.
Ông nhận xét như thế nào về hiện trạng khai thác đá tự nhiên của Việt Nam hiện nay?
Việt Nam hiện có hơn 400 mỏ đá ốp lát trong đó có gần 130 mỏ đá vẫn ở diện chưa được khảo sát, tổng trữ lượng ước đạt hơn 37 tỷ tấn, có thể khai thác, chế biến thành hàng trăm tỉ m2 đá ốp lát.
Về chất lượng, đá tự nhiên của Việt Nam không thua kém so với thế giới, thậm chí tốt vượt trội ở một số tiêu chí.
Tuy nhiên, hiệu quả sản phẩm đá tự nhiên của Việt Nam ra thị trường thế giới phần lớn ở dạng thô, bán với giá rất thấp. Chúng ta gặp trở ngại lớn khi sử dụng công nghệ khai thác, chế biến quá lạc hậu khiến đá bị om, vỡ, mất độ bền và màu sắc tự nhiên.
Đá khai thác đạt tiêu chuẩn chất lượng chỉ chiếm khoảng 20% sản lượng, gây lãng phí rất lớn về mặt tài nguyên chưa kể các hệ lụy lớn ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái.
AMD có chiến lược cụ thể gì để tạo sự khác biệt trên thị trường?
Khi đầu tư vào ngành này, triết lý kinh doanh của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá trị thặng dư lớn, đem lại lợi nhuận cao. Để làm được điều đó thì phải đầu tư vào công nghệ khai thác và chế biến. Với tiềm lực tài chính tốt, AMD lựa chọn công nghệ khai thác và sản xuất tối tân nhất.
Công nghệ này vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm là một thách thức lớn trong ngành khai thác đá, vừa giảm thiểu tai nạn lao động, đồng thời tỷ lệ thu hồi đá nguyên khối cao, giúp sử dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên quý của Việt Nam.
Sau khi chế tác, sản phẩm đá của AMD không chỉ bóng, sáng, vân đá tự nhiên nổi bật mà độ thấm nước gần như bằng không, rất phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam.
Thực tế, với cổ đông, hiệu quả kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn mới là điều họ quan tâm nhất. Đầu tư quá lớn như vậy, hẳn AMD cũng đã tính toán kỹ về bài toán kinh tế hiệu quả?
Đầu tư ban đầu có thể tốn kém nhưng đó là cách đầu tư bền vững và tất yếu nếu chúng ta muốn bắt kịp ngành công nghệ khai thác đá tiên tiến của thế giới.
Lợi ích đã có thể thấy ngay: đá AMD có lợi thế cạnh tranh rất cao khi giá bán chỉ bằng 1/2 đến 2/3 giá hàng nhập khẩu, nhưng chất lượng thì hơn hẳn.
Chúng tôi vừa ký một hợp đồng cung cấp 50.000 tấn đá cho M/S Friend mTraders, thuộc Tập đoàn Ahsan, Bangladesh trị giá hàng triệu USD. Đây chỉ là một trong khá nhiều đơn đặt hàng quốc tế đến từ những thị trường khó tính thuộc Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ.
Ở thị trường nội địa, đá AMD đã xuất hiện trong nhiều dự án lớn như hệ thống quần thể nghỉ dưỡng của FLC, Ecopark, T&T...và đang tiếp tục mở rộng.
Với tiềm năng thị trường tốt như vậy, chúng tôi dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên vốn ban đầu sẽ vào khoảng 40-50%. Và nếu hoạt động hết công suất, chỉ sau 2 năm, công ty sẽ có khả năng thu hồi vốn.
AMD đang dốc toàn lực để chiếm lĩnh từ 25-30% thị phần đá tự nhiên Việt Nam trong 2 năm tới, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp đá đứng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Hải Thu
Ý kiến bạn đọc