(VnMedia) – Theo ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp “to” nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có. Một doanh nghiệp “lớn” phải đáp ứng đủ yêu cầu có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng phân phối.
Chiều 26/10, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Bảo vệ quyền tài sản Việt Nam đang ở mức độ kém
Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, từ góc độ người làm doanh nghiệp nhìn vào môi trường chính sách ông Hiếu thấy có 3 rào cản với doanh nghiệp đó là: gánh nặng chi phí, thời gian để tuân thủ quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh.
Cũng theo ông Hiếu, tất cả các nghị quyết của chính phủ Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, 3 Nghị quyết Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Nghị quyết 19, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020; Nghị quyết 98/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân,… mới chỉ tập trung giải quyết một yếu tố là cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Còn lại rủi ro cho doanh nghiệp ít được nhắc đến, đặc biệt sự không tiên liệu trong việc thực hiện thủ tục hành chính dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp thậm chí triệt tiêu doanh nghiệp.
Liên quan đến câu chuyện độ an toàn quyền tài sản, theo ông Hiếu, xét mức độ an toàn về bảo vệ quyền tài sản theo một tổ chức đánh giá 128 quốc gia thì Việt Nam đứng ở thứ 88, tức là ở mức độ kém. Mức độ bảo vệ quyền tác giả cũng ở mức đáng báo động. Bảo vệ phát minh sáng chế cũng hạn chế. Mức độ bảo vệ quyền tài sản Việt Nam chỉ hơn Nepan, Pakistan, Bangladesh và Myanmar - 4 quốc gia không nên so sánh về mặt thể chế.
Một khiếm khuyết nữa liên quan đến chính sách cạnh tranh, đó là năm vừa rồi trong báo cáo về năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam tăng 5 bậc từ 60/138 lên thứ 55. Các chỉ số về chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh chỉ số của Việt Nam rất thấp. Chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 78/138 quốc gia, Chính sách chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 94/138. “Khái niệm cạnh tranh còn khá mới mẻ tại Việt Nam”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ.
Liên quan đến vấn đền này, ông Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện nay, vấn đề quyền tài sản đã được nhắc đến rất nhiều. Quyền tài sản lớn hơn cả quyền sở hữu. Theo nghĩa rộng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề như tài sản gắn liều với đất đai, cạnh tranh, tiếp cận nguồn lực, môi trường kinh doanh.
“Với nhiều nỗ lực, chúng ta cơ bản mới xử lý một vấn đề đó là gia nhập thị trường, còn lại cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường vẫn còn ở mức thấp nên doanh nghiệp Việt Nam khó có đủ năng lực cạnh tranh và khó tạo động lực”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp “to” nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có. Một doanh nghiệp “lớn” phải quy tụ đủ yếu tố thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng phân phối.
Kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng nhất trong nền kinh tế
Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã làm nên sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
“Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù quy mô của khu vực tư nhân có thể khác nhau, song có một điều chắc chắn rằng, nếu không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó”, ông Phòng nói.
Đưa ra giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân, bà Hoàng Thị Tư - Chuyên viên cao cấp, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, điều đầu tiên là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Bảo đảm lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường.
Bà Tư cũng cho rằng, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường...
Chiều 26/10 Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cũng tổ chức Lễ trao giải bình chọn "Báo chí viết về Doanh nhân, Doanh nghiệp và Môi trường Kinh doanh lần V". Kể từ khi phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm của gần 30 cơ quan báo chí gửi về tham gia. Qua nhiều vòng chấm, Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 11 tác phẩm đoạt giải, gồm 1 giải A, 2 giải B, 2 giải C và 4 giải khuyến khích. Theo đó, giải A của cuộc thi thuộc về tác giả Chân Luận – báo Pháp luật TP HCM – với loạt bài "Tháo vòng kim cô cho doanh nghiệp" (4 kỳ). Giải B được trao cho tác giả Bích Trâm - báo Doanh nhân Sài Gòn–với bài viết "Chủ tịch TMT Group Tạ Minh Tuấn: Mong muốn có nhiều doanh nhân hạnh phúc" và bút danh Bảo Duy đến từ Báo Đầu tư với loạt bài "Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt". Tác giả Minh Huệ - Báo Dân Việt với bài viết: “Nguyễn Đức Hưởng: tôi có cái nghiệp với nông dân”; tác giả Hồng Phúc – Báo Đầu tư với 2 bài viết có tựa đề: “Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ: Người đem silicon Valley về Trà Vinh” và “Ông Võ Quang Huy, giám đốc công ty TNHH Huy Long An: đưa chuối Việt lên bàn ăn quốc tế” đồng nhận giải C của cuộc thi. |
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc