Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Phá sản ngân hàng là phương án cuối cùng

06:52, 27/10/2017
|

(VnMedia) - Chủ trương phá sản ngân hàng chỉ được xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc). 

Đây là ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 26/10.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung, Phương án phá sản, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về phương án phá sản các TCTD trên cơ sở đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ khi triển khai phương án này trong thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt.

Dự thảo Luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công, đồng thời quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm quyết định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi phương án phá sản đã được phê duyệt, để bảo đảm xử lý kịp thời TCTD yếu kém, không có khả năng phục hồi, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu TCTD nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Trước nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh, phá sản ngân hàng là biện pháp cuối cùng để xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Việc Quốc hội xem xét thông qua luật này sẽ là cơ sở pháp lý cơ bản, cấp thiết để xử lý những tồn tại, hạn chế hệ thống ngân hàng hiện nay.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, trong quá trình chỉnh sửa, sẽ bổ sung biện pháp can thiệp sớm tổ chức tín dụng có dấu hiệu suy yếu tại điều 130a của dự thảo luật. Sửa đổi, bổ sung về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng tại khoản 2 điều 55 theo hướng bổ sung trường hợp một tổ chức được phép sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ tại một tổ chức tín dụng trong một số trường hợp.

Dự luật cũng đã bổ sung một số quy định để tăng cường hiệu quả ngăn ngừa sở hữu chéo, đầu tư chéo như sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 điều 55 theo hướng quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn của tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó tại tổ chức tín dụng khác để tránh việc lạm dụng và chi phối hoạt động cấp tín dụng tại nhiều tổ chức tín dụng để phục vụ cho lợi ích có liên quan của cổ đông lớn.

Bổ sung quy định khoản 4 điều 34 theo hướng: chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác để hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, điều chỉnh kết cấu phương án cơ cấu lại và quy trình thực hiện các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng cho thống nhất, rõ ràng hơn....

Đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều câu hỏi băn khoăn về quyền lợi người gửi tiền trong phương án phá sản ngân hàng. Giải thích rõ thêm về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc phá sản tổ chức tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan truyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Do đó, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu rất kỹ các quy định tại phương án này nhằm bảo đảm sự thận trọng cần thiết.

Cụ thể là thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc Chính phủ. Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc). 

Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung quy định cho phép Chính phủ được áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng.

Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách Nhà nước, theo đúng nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước khác để xử lý vấn đề này.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc