Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn "ì ạch" ?

14:16, 16/10/2017
|
(VnMedia) - Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, hiện một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa quyết liệt trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
 
Đang tiến hành xác định giá trị 40 doanh nghiệp
 
Theo Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và thực hiện Nghị quyết 35/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp 9 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, đã cổ phần hóa 20 doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, có 4 Tổng công ty: Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương. Tổng số thu về từ thực hiện cổ phần hóa là 683,823 tỷ đồng.
 
Cùng với đó, công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 28 doanh nghiệp. Trong đó có doanh nghiệp có quy mô vố chủ sở hữu rất lớn như 1 doanh nghiệp thành việc của Tập đoàn điện lực Việt Nam có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng. Đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp 40 doanh nghiệp.
 
Như vậy, năm 2017, với tình hình trên, có thể sẽ hoàn thành cổ phần hóa 38/44 tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo kế hoạch.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Cũng theo Báo cáo này, nếu tính cả các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì tính đến hết tháng 9/2017, cả nước đã cổ phần hóa 37 doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Quốc phòng 17 doanh nghiệp, Bộ Xây dựng 2 doanh nghiệp, Bình Dương 2 doanh nghiệp, Hưng Yên 1 doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế 1 doanh nghiệp, Sóc Trăng 2 doanh nghiệp, Vĩnh Long 2 doanh nghiệp, Bắc Ninh 1 doanh nghiệp, Kiên Giang 1 doanh nghiệp, Tuyên Quang 2 doanh nghiệp, Quảng Trị 1 doanh nghiệp, Đồng Tháp 2 doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam 1 doanh nghiệp) và 2 đơn vị sự nghiệp (Bắc Giang, Quảng Ninh).
 
Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục thực hiện thoái vốn theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đối với chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Habeco, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan tập trung đàm phán, xử lý dứt điểm vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với Carlsberg Breweries A/S để làm cơ sở cho việc chuyển nhượng cổ phần Nhà nước tại Habeco, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/11/2017.
 
Riêng đối với chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Sabeco, tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 5/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Công Thương chủ trì cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư phát và Văn phòng Chính phủ thống nhất phương án bán vốn Nhà nước tại Sabeco trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước ngày 20/10/2017 để xem xét, quyết định, báo cáo Thường trực Chính phủ…
 
Một số địa phương vẫn chưa quyết liệt trong cổ phần hóa
 
Đưa ra những tồn tại, hạn chế trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước có khả năng đạt kế hoạch nhưng cần phải tích cực đôn đốc, kiểm tra.
 
Dự thảo kế hoạch năm 2017 hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp trong danh mục 137 doanh nghiệp. Dự kiến 38/45 sẽ hoàn thành cổ phần hóa đúng kế hoạch (có 20 doanh nghiệp đã phê duyệt phương án cổ phần hóa, 8 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp).
 
Cùng với đó, hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ. Cơ chế quản trị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
 
Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thông tin, hiện một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước chưa quyết liệt trong công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (TP.HCM chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong số 39 doanh nghiệp).
 
Cùng với nguyên nhân trên, một số doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán nên thời gian từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến IPO sẽ dài hơn 18 tháng, do đó các doanh nghiệp phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn IPO và không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng cần có thêm thời gian xin ý kiến về không điều chỉnh giá trị số sách. Sau khi được Kiếm toán Nhà nước kiểm toán, có nhiều doanh nghiệp chênh lệch rất lớn giữa giá trị sổ sách với giá trị công bố.
 
“Do chưa có quy định nên các bộ phải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không điều chỉnh lại giá trị sổ sách theo các tiền lệ của Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty cao su Tân Biên…, điều này làm này kéo dài thêm thời gian cổ phần hóa. Việc tổ chức thực hiện còn chưa quyết định, có tâm lý thận trọng, an toàn và không sáng tạo”, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phần hóa bị chậm.
 
Hương Lan

Ý kiến bạn đọc