(VnMedia) -
Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”, có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Chiều 23/10, trong chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Ra đời hơn 10 năm, song Luật Cạnh tranh (được Quốc hội thông qua năm 2004), được đánh giá là chưa phát huy hiệu quả trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như tạo nên một môi trường cạnh tranh, “sân chơi” lành mạnh cho doanh nghiệp.
Vì vậy, việc trình Quốc hội sửa Luật lần này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Cạnh tranh 2004.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sửa đổi lần này sẽ khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với xu thế toàn cầu hóa kinh tế và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng trên phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau. Khi đó, thực tiễn sẽ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, nhưng có tác động tới môi trường cạnh tranh trong nước. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc tác động ảnh hưởng của hành vi để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới và bảo vệ thị trường trong nước.
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm tăng cường hiệu quả thực thi, đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn trong tình hình mới như: Đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế; đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, nhằm khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; thay đổi cách tiếp cận để kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh để phản ánh đúng bản chất và tác động của hành vi, phù hợp với thông lệ quốc tế; khắc phục hạn chế về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo tính độc lập, tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh.
Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật gồm có 121 điều, được bố cục thành 9 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong dự án Luật bao gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam” (Điều 1 dự thảo Luật). Mở rộng đối tượng áp dụng, theo đó, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, dự thảo Luật còn áp dụng đối với “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, trong đó bao gồm cả các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính....
Tờ trình cũng cho biết, Dự thảo Luật mới sẽ điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ nhất, đối với một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại Luật khác, dự thảo Luật đã quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác, đồng thời bổ sung nguyên tắc xử lý để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi.
Thứ hai, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ ba, dự thảo Luật đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại dự thảo Luật.
Thứ tư, dự thảo Luật đã lược giản hoá trình tự, thủ tục điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, theo đó bãi bỏ thủ tục điều tra sơ bộ và rút ngắn thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc cạnh tranh không lành mạnh từ 90 ngày xuống còn 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc