Cần bao nhiêu tiền để đáp ứng quy hoạch điện quốc gia?

07:38, 09/10/2017
|
(VnMedia) - Theo đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng quy hoạch phát triển điện quốc gia, nguồn tài chính để đầu tư đồng bộ nguồn điện và lưới điện rất lớn. Dựa vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 cần khoảng 148 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 cần 10,8 tỷ USD/năm.
 
Thủy điện nhỏ đều thực hiện tốt các quy định
 
Theo Bộ Công Thương, hiện nhu cầu năng lượng đang tăng rất nhanh, nếu không xem xét việc quy hoạch, phát triển thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo sẽ rất khó đáp ứng.
 
Vì vậy, việc phát triển thủy điện cùng các dự án năng lượng tái tạo sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, qua các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
 
Đối với phát triển điện gió, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt là 800 MW (hiện tại mới là 180 MW); đến năm 2025 là 2.000 MW và đến năm 2030 là 6.000 MW. Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011. Theo đó, giá bán điện của các dự án này tương đương 7,8 UScents/kWh (trong đó nhà nước hỗ trợ 1 cent thông qua Quỹ bảo vệ môi trường) cùng những cơ chế khác như trách nhiệm mua điện, ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, về hạ tầng đất đai,...
 
Để đáp ứng quy hoạch phát triển điện quốc gia, nguồn tài chính để đầu tư đồng bộ nguồn điện và lưới điện rất lớn. Ảnh minh họa
Để đáp ứng quy hoạch phát triển điện quốc gia, nguồn tài chính để đầu tư đồng bộ nguồn điện và lưới điện rất lớn. Ảnh minh họa
Đối với năng lượng mặt trời, đến năm 2020, công suất lắp đặt đạt khoảng 850 MW (hiện nay không đáng kể); đến năm 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Theo đó, cơ chế hỗ trợ về giá bán điện là 9,35 UScents/kWh với thời hạn của hợp đồng là 20 năm cùng với các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi khác như việc mua điện, thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Cơ chế này có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019, trên cơ sở tình hình phát triển thực tế, Bộ Công Thương sẽ đề xuất cơ chế thực hiện sau ngày 30/6/2019.
 
Trong khi đó, thông tin từ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, tính đến giữa năm 2017, trên địa bàn toàn quốc có 330 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Trong đó, có 194 công trình thủy điện nhỏ (công suất lắp đặt đến 30 MW) có hồ chứa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
 
Để đáp ứng quy hoạch phát triển điện quốc gia chi phí là rất lớn
 
Theo ông Nguyễn Văn Vy – đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện của Việt Nam năm 2016 là 182,9 tỷ kWh, tăng bình quân 12,3% trong giai đoạn 1990 - 2016. Trong đó, sản lượng thủy điện năm 2016 là 63,9 tỷ kWh, tăng bình quân 10% giai đoạn 1990 - 2016. Tỷ trọng thủy điện giảm từ 70% năm 1995 xuống còn 35% vào năm 2016.
 
Trong khi đó, theo đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng quy hoạch phát triển điện quốc gia, nguồn tài chính để đầu tư đồng bộ nguồn điện và lưới điện rất lớn, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 cần khoảng 148 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 cần 10,8 tỷ USD/năm.
 
Cũng theo EVN, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều thay đổi về các quy định của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, dẫn đến những khó khăn vướng mắc khi triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án điện.
 
Công tác chuẩn bị đầu tư dự án điện bị chi phối bởi nhiều Luật và nhiều Nghị định, thông tư (Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Doanh nghiệp. Các Nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định...).Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện trường hợp khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư cho một Dự án điện khi áp dụng các Luật khác nhau...
 
“Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp...đang tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án điện”, đại diện EVN cho hay.
 
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, đại diện EVN cũng cho hay, các quy hoạch năng lượng tái tạo/ điện mặt trời nói riêng (trừ thuỷ điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực, chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện.
 
Công suất phát của năng lượng tái tạo không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, bức xạ mặt trời..., với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế và các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành/ tiêu chuẩn thiết kế, vận hành... đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo còn thiếu, chưa đồng bộ.
 
Để giải quyết các vấn đề trên, EVN cho rằng, các cơ quan liên quan cần tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, các chính sách ưu đãi về đầu tư (Vốn, thuế, đất đai…)...
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc