(VnMedia) –
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng có tác động và thay đổi ở hầu hết các lĩnh vực, chứ không tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt nào như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Hưởng ứng sự bùng nổ của thời đại công nghệ số, sáng 25/10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp số 2017 – “Kỷ nguyên Số và Quốc gia khởi nghiệp”.
Công nghiệp 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ, cuộc cách mạng đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội.
Việc chủ động tiếp cận các công nghệ tiên tiến đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và nêu rõ trong Chỉ thị 16 /CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0.
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng có tác động và thay đổi ở hầu hết các lĩnh vực chứ không tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt nào như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Thực tế, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… từ đó làm cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước trong thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới.
Do đó, nếu không chủ động, doanh nghiệp nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh. Điểm mấu chốt của Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
PGS. TS Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở đầu 1 thời kỳ mới, là cơ hội, gần như cơ hội duy nhất để quốc gia kém phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển.
Doanh nghiệp cần nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để phát triển
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh những khó khăn, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này như: Tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương); tỉ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới…
Tuy nhiên, như ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa- Chuyên gia cao cấp, Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy CTS- Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, không đâu như ở Việt Nam, người dân vẫn ào ào mua smartphone và wifi được miễn phí, cước 3G, 4G nằm trong top rẻ nhất thế giới. “Sự tăng trưởng này có vẻ như lãng phí, nhưng nếu biết tận dụng, chúng ta sẽ phát triển khủng khiếp. Lực lượng đang sử dụng smartphone, Internet thành thạo nhất chỉ khai thác Facebook, cá độ bóng đá và kiếm rất nhiều tiền. Vậy tại sao trong những lĩnh vực khác, chúng ta không làm?”, ông Thái Hòa nói.
Theo bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Công ty nghiên cứu người tiêu dùng Nielsen Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp số đã làm thay đổi rất nhiều từ khoa học, xã hội, cũng như lối sống. Và cuộc cách mạng này đang mang đến cho doanh nghiệp cơ hội để nắm bắt xu hướng phát triển.
Mặc dù cuộc cách mạng 4.0 mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, nhưng theo bà Thúy Hà, nếu lãnh đạo các đơn vị không đưa ra được những chiến lược phát triển kịp thời với xu hướng chung này thì sẽ khó phát triển. “Để phát triển, điều đầu tiên là doanh nghiệp phải nắm bắt tâm lý của khách hàng, tìm hiểu nhu cầu chung của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của mình, từ đó tìm ra hướng đi riêng cho doanh nghiệp”, bà Thúy Hà chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Nhật Tân – Phó phòng Nghiên cứu Phát triển Vibiz cũng cho rằng, doanh nghiệp cần tìm ra các điểm yếu, mạnh và chiến lược phát triển của đơn vị mình. Cùng với đó, cần tăng khả năng tương tác trực tiếp với khách hàng, khi đó chúng ta sẽ thu thập được những thông tin về sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng.
Điều cuối cùng ông Tân cũng lưu ý, doanh nghiệp cần quan tâm đến số hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó thay đổi và bắt nhịp với xu hướng chung của toàn cầu.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc