(VnMedia) -
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi tích cực do những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh
Theo Bộ Công Thương, trong 3 tháng cuối năm 2017, kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như, kinh tế toàn cầu được dự báo đã lấy lại đà tăng trưởng với sự phục hồi mang tính chu kỳ trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất chế tạo và thương mại. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng từ 3,1% năm 2016 lên 3,5% năm 2017 và 3,6% năm 2018.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng phải đối mặt với một số rủi ro suy giảm do các chính sách hướng tới bảo hộ sẽ thu hẹp các dòng chu chuyển thương mại và vốn đầu tư giữa các quốc gia; rủi ro tài chính của Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi; sự bất trắc về các chính sách kinh tế (nhất là nước Mỹ); những bất ổn địa chính trị, xu hướng bảo hộ mậu dịch thế giới gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, còn những rủi ro bên trong và bên ngoài liên quan đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, năng suất lao động thấp, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chậm, thiếu vốn để đầu tư phát triển vào cơ sở hạ tầng trong bối cảnh hạn chế về ngân sách và nợ công ở mức độ cao, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với thị trường lao động đã hiện diện tại Việt Nam do những ngành thâm dụng lao động đang dần được tự động.
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng nhận định, với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng lòng của doanh nghiệp, của người dân, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tích cực trong thời gian tới do những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
“Triển vọng khả quan của kinh tế toàn cầu cũng như tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế chủ chốt sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Những cải thiện mạnh mẽ về thể chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo trong năm 2016, 2017 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong 3 tháng cuối năm 2017, kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tăng mức độ gia nhập thị trường và gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế”, Bộ Công Thương dự báo.
Cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, với quyết tâm nhất định sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2017 đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trước đó, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cụ thể, số điều kiện kinh doanh trước rà soát là 1.216 điều kiện trên 27 ngành, nghề. Việc rà soát đã được thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị, hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh trên tinh thần đánh giá kỹ, chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết, trong đó hạn chế tối đa các điều kiện mang tính chất rào cản gia nhập thị trường.
Trên cơ sở kết quả rà soát, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trên nguyên tắc vì doanh nghiệp, người dân và sự phát triển bền vững của xã hội.
Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.
Theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, tương đương với 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là công việc trọng tâm, xuyên suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc