Thuế, phí đang chiếm khoảng 23% giá sản xuất than

19:20, 08/09/2017
|
(VnMedia) – Theo ông Kiều Kim Trúc – Phó Ban Khoa học Công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển, Tập đoàn Than – Khoán sản Việt Nam, hiện nay, tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 23% giá thành sản xuất một tấn than.
 
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 vừa diễn ra sáng nay (8/9) tại Hà Nội.
 
Sản xuất than gặp nhiều khó khăn
 
Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 (QH403), nhu cầu than nói chung và nhu cầu sử dụng than cho nhiệt điện nói riêng năm 2017 là 55,2 triệu tấn (nhiệt điện: 39,0 triệu tấn, chiếm 71%); Năm 2020 là 86,4 triệu tấn (nhiệt điện: 64,1 triệu tấn, chiếm 74%) và từ năm 2025-2030 nhu cầu là 120-150 triệu tấn.
 
Cũng theo QH403, khả năng sản xuất than thương phẩm của toàn ngành giai đoạn 2017 - 2020 từ 42,6 - 56,6 triệu tấn (TKV chiếm 72 - 84%). Trong đó, năm 2017 là 42,6 triệu tấn; năm 2020 là 48,3 triệu tấn; từ năm 2025-2030 là 53,2 - 55 triệu tấn.
 
Đưa ra những khó khăn và thách thức đối với ngành than, ông Kiều Kim Trúc – Phó Ban Khoa học Công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, trong khi nhu cầu than trong nước không như dự báo, tiến độ nhận than nhiều dự án nhiệt điện chậm so với kế hoạch, cạnh tranh của thanh nhập khẩu... dẫn tới tiêu thụ than của TKV giảm mạnh, tồn kho luôn ở mức cao.
 
Đáng chú ý, theo ông Trúc, các loại thuế, phí tăng cao, dẫn đến giá thành sản xuất than tăng. Hiện nay, tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 23% giá thành sản xuất một tấn than. Trong đó, thuế xuất khẩu than đá đang áp dụng 10%; thuế bảo vệ môi trường với than đang áp dụng từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn; thuế tài nguyên với than đá đang thu từ 10% - 12%. Về phí, lệ phí với than có khung từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn, mức cụ thể do Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành quyết định).
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo quyết định thay thế quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. Ảnh minh họa
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo quyết định thay thế quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. Ảnh minh họa
“Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến than và khoáng sản đang chịu 12 loại thuế, phí và lệ phí khác nhau”, ông Trúc cho hay.
 
Ngoài những khó khăn trên, đại diện Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng cho biết, đầu tư sản xuất tiềm ẩn rủi ro. Cùng với kế hoạch phải tăng sản lượng, nhưng thị trường biến động không thuận lợi làm cho công tác đầu tư tiềm ẩn yếu tố rủi ro bất thường, khó đạt mục tiêu cũng như khó khăn quyết định thực hiện, trong khi nhu cầu đầu tư nâng công suất, cơ giới hóa và tự động hóa sẽ khó khả thi về mặt hiệu quả kinh tế.
 
Thị trường lao động khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và công nhân lành nghề, trong khi sức hút vào ngành mỏ giảm sút so với nhiều ngành nghề khác hấp dẫn hơn, thể hiện bởi số lượng đào tạo và tuyển mộ suy giảm, trong khi số người bỏ việc ngành mỏ tăng cao.
 
Điện sản xuất từ than chiếm khoảng 38%
 
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương, hiện nay điện sản xuất từ than chiếm khoảng 38%, điện sản xuất từ khí chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện sản xuất năm 2016. Hiện sản lượng điện từ than và khí đang ngày càng tăng. Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than và đang tính đến chuyện nhập khẩu khí đốt. Vì vậy, biến động của giá than, giá khí và giá dầu trên thế giới đều ảnh hưởng lớn đến giá điện.
 
Trước tình trạng này, đại diện Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương kiến nghị, cần có cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp, đảm bảo kiểm soát được giá điện bán lẻ, nhưng vẫn đảm bảo giá điện phản ánh được đầy đủ các chi phí.
 
Đại diện Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo quyết định thay thế quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân nhằm thực hiện giải pháp này.
 
Đối với các dự án nguồn điện theo hình thức BOT, cần phải có cơ chế đấu thầu để chọn được những nhà đầu tư, những dự án hiệu quả nhất về kinh tế.
 
Liên quan đến thị trường phát điện cạnh tranh, đại diện Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cũng kiến nghị, cần xây dựng cơ chế thị trường điện cạnh tranh. Bởi, thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả sẽ giúp đảm bảo an ninh cung cấp điện dài hạn, phản ánh được cân bằng cung cầu, giúp thu hút các nguồn đầu tư vào ngành điện lực, qua đó đảm bảo giá điện sẽ được thị trường điều chỉnh ở mức hợp lý.
 
Theo Tập đoàn điện lực, tính đến tháng 7/2017, có 76 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt là 20.728 MW (chiếm 49% tổng công suất đặt toàn hệ thống). 44 nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện, có tổng công suất đặt gần 21.383 MW.
 
Tính đến đầu tháng 7, nhà máy điện trực tiếp than gia thị trường điện, tổng công suất đặt 20.728 MW (tăng 2,3 lần so với năm 2012), chiếm 49% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 nhà máy tham gia thị trường điện với công suất khoảng 1900 MW.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc