Môi trường kinh doanh cải thiện, nhà đầu tư đổ mạnh tiền vào Việt Nam

06:49, 22/09/2017
|
(VnMedia) -  Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những điểm sáng của nền kinh tế.
 
Tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến tích cực
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực, từng ngành, lĩnh vực cơ bản bắt kịp kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng được kiểm soát, duy trì mức thấp hơn mục tiêu của Quốc hội; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng khá.
 
Đặc biệt, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Cùng với đó, đăng ký kinh doanh tiếp tục diễn ra sôi động.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,3 tỷ USD, bằng 44% tổng vốn đăng ký và tăng 5,1% so với cùng kỳ.
 
Một số dự án lớn đã kết thúc quá trình đàm phán, góp phần làm tăng vốn FDI đăng ký như Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2; dự án nhiệt điện Nam Định 1; một số dự án lớn điều chỉnh tăng vốn như dự án Samsung Display; Công ty TNHH Polytex Eastern (Đài Loan)... Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore tiếp tục giữ vị trí tốp đầu các quốc gia có đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam. Trong số các địa phương có dự án FDI, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất; tiếp theo là Thanh Hóa, Bắc Ninh.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài ký kết lũy kế đến ngày 24/8/2017 đạt gần 2,4 tỷ USD, giải ngân lũy kế từ đầu năm ước đạt khoảng 2,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 15% so với mức giải ngân cùng kỳ năm 2016 (2,47 tỷ USD).
 
Lĩnh vực xây dựng và thị trường bất động sản nhìn chung ổn định, thị trường bất động sản trong 8 tháng tiếp tục duy trì tăng trưởng, các yếu tố giá cả, số lượng giao dịch, tính thanh khoản không có nhiều biến động; tồn kho tiếp tục giảm; cơ cấu hàng hóa tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với thị trường...
 
Tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô 
 
Đưa ra những dự báo kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kết quả thực hiện của 8 tháng năm 2017, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017 được rà soát lại, qua đó nhiệm vụ của các tháng cuối năm vẫn hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành cần duy trì những nỗ lực và phải rất cố gắng để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
 
Cùng với đó, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong tháng 8, doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng, lĩnh vực du lịch có nhiều bứt phá.
 
Trước những dự báo trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, những tháng cuối năm cần tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, thu - chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công; cải cách thể chế, tập trung cải cách thủ tục hành chính.
 
Theo đó, về chính sách tài khóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị, tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu, quyết liệt chống thất thu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân. Nghiên cứu và có báo cáo Chính phủ đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế VAT trong thời gian tới, nhất là đối với tiêu dùng toàn dân, những người có thu nhập thấp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đến lao động và việc làm…
 
Đối với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; khẩn trương, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các tổ chức tín dụng triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”.
 
Riêng về công tác kế hoạch và đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị khẩn trương triển khai công tác rà soát các thủ tục liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đầu tư công, thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 70/NQ-CP; hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công năm 2018, đảm bảo đáp ứng tiến độ.
 
Đặc biệt, cần rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh thị trường. Rà soát các loại chi phí chính thức và chi phí phát sinh đối với doanh nghiệp cần phải cắt giảm trong các ngành, lĩnh vực.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc