Đại gia đứng sau thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam là ai?

21:02, 21/09/2017
|

Ông chủ thực sự tại VFS không phải là công ty vận tải thủy Vivaso mà lại là công ty chuyên về bất động sản, hạ tầng giao thông Vạn Cường của vị đại gia Nguyễn Thủy Nguyên.

Tháng 4/2016, ngay từ thời điểm Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chính thức tiến hành cổ phần hóa, danh sách các nhà đầu tư quan tâm tới công ty này đã là một dấu hỏi lớn.

Theo đó, ngày 14/4, VFS tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần.

Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).

 

VFS là doanh nghiệp chuyên sản xuất phim truyện khi 96% doanh thu của công ty đến từ hoạt động sản xuất phim. Tuy nhiên công ty này quản lý nhiều khu đất vàng có giá trị rất lớn như khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, số 4 Thụy Khuê hay số 6, Thái Văn Lung, TP.HCM. Giá trị thị trường những lô đất này đều có giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vivaso trở thành ông chủ tại VFS chỉ với cái giá hơn 33 tỷ đồng để tóm gọn 65% vốn cổ phần tại đây. Ông chủ của Vivaso, Nguyễn Thủy Nguyên cũng nhanh chóng trở thành Chủ tịch tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tên mới của Hãng phim truyện Việt Nam).

Theo đó, Vivaso là một doanh nghiệp không mấy liên quan tới nghệ thuật hay phim ảnh, công ty này chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy nội địa, bốc xếp, cảng sông, sữa chữa đóng mới phương tiện thủy nội địa.

Tuy nhiên, Vivaso cũng chỉ là một doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa tương tự như VFS với số vốn điều lệ hơn 320 tỷ đồng và Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp này vào năm 2014.

Đằng sau Vivaso còn là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông chính là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường, đơn vị sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso.

 

Theo đó, Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường được thành lập từ năm 1992. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm đại diện pháp luật và là Tổng giám đốc công ty. Vạn Cường chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hạ tầng giao thông, xây dựng với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường, đồng thời là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ tại đây. Ông sinh năm 1958 tại Hà Nội. Trước khi trở thành ông chủ một doanh nghiệp bất động sản, hạ tầng giao thông lớn, ông từng nhận thầu phụ cho các công ty Cienco tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ những năm 1990.

Công ty Vạn Cường được đánh giá là doanh nghiệp có tiềm lực lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông khi từng được Bộ GTVT giao nhiều dự án thi công đường bộ lớn như quốc lộ 1A và quốc lộ 14…

Tuy nhiên, cái tên Vạn Cường và ông chủ Nguyễn Thủy Nguyên lại nổi lên nhờ hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp cổ phần hóa trong đó có Vivaso và VFS.

Theo đó, đang thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn nhỏ tại các tỉnh, thành phía Bắc, Vạn Cường vẫn chịu chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm hơn 77% vốn cổ phần của Vivaso vào năm 2014. Thời điểm này, kết quả kinh doanh của Vivaso bắt đầu có dấu hiệu đi xuống.

Cụ thể, năm 2014, Vivaso ghi nhận 1.116 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 6,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2015, Vivaso lại lỗ ròng 8 tỷ đồng trong khi doanh thu vẫn đạt trên 706 tỷ đồng. Năm 2015, công ty cũng chỉ kinh doanh ở mức hòa vốn, còn năm 2016 vừa qua doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 6,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vivaso lại là đơn vị sở hữu gần 50 ha đất tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có nhiều khu đất vàng. Chỉ tính riêng trụ sở 158 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội của Vivaso đã có diện tích gần 800m2, ước tính mỗi mét đất tại đây có giá lên tới hơn 120 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn có hàng chục năm kinh doanh trong lĩnh vực vận tải thủy và đang sở hữu một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó là một hệ thống cảng với nhiều nhà xưởng, kho bãi tại các đầu mối giao thông…

Sau khi thâu tóm phần lớn cổ phần Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên nhanh chóng trở thành Chủ tịch tại công ty vận tải đường thủy này. Bộ máy lãnh đạo cũ của doanh nghiệp này lần lượt bị thay thế từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc tới nhiều lao động khác.

Đối với thương vụ thâu tóm VFS, thông qua Vivaso, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên trở thành cổ đông lớn nhất tại đây là nắm quyền chi phối hoạt động công ty. Thời điểm thâu tóm VFS, công ty này cũng ngập trong thua lỗ.

 

Từ năm 2012 đến 2014, doanh thu của VFS sụt giảm mạnh và lợi nhuận công ty luôn trong tình trạng âm.

Cụ thể, năm 2013, VFS lỗ ròng 1,3 tỷ đồng và sau 9 tháng đầu năm 2014 thì số lỗ đã lên tới 3,7 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2014, VFS đang có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 40 tỷ đồng.

Tại cuộc họp trả lời những bức xúc của các nghệ sĩ về tình hình hãng sau khi cổ phần hóa, ông Nguyên cũng cho biết năm 2015 hãng lỗ hơn 7 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 11 tỷ, nửa năm đầu 2017 vẫn tiếp tục báo lỗ 4,7 tỷ đồng.

Thua lỗ, nhưng điểm hấp dẫn tại VFS được cho là 4 khu đất vàng có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng bao gồm Khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám; số 4 Thụy Khuê tại Hà Nội và số 6, Thái Văn Lung, TP.HCM. Dù giá trị trên giấy theo quy định một số khu đất chỉ có giá 46 triệu đồng/m2, nhưng thực tế, giá đất thị trường được giao bán lên tới trên dưới 200 triệu đồng mỗi mét vuông.

Theo Zing


Ý kiến bạn đọc