Hiệp hội Taxi Hà Nội "tố" Bộ GTVT vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Chính phủ về quản lý hoạt động của Uber, Grab.
Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Yêu cầu dừng thí điểm Uber, Grab trong tháng 9
Theo đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9-2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Nguyên nhân đề xuất trên theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã cố tình không giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm mặc dù UBND TP Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối, làm xe hợp đồng dưới 9 chỗ bùng nổ, mất kiểm soát khi lượng xe thí điểm chạy cho Grab, Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng.
Thủ tướng Chính phủ đã giao đích danh trọng trách cho Bộ GTVT chủ trì công tác thí điểm. Mặc dù các địa phương đều có ý kiến phải hạn chế, quản lý số lượng phương tiện thí điểm, nhưng Bộ GTVT đã cố tình để cho gia tăng số lượng phương tiện thí điểm, làm phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương được lựa chọn thí điểm, vi phạm nghiêm trọng chỉ đạo của Thủ tướng.
Điều đáng nói là đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, Bộ GTVT lại "đá quả bóng" trách nhiệm về cho UBND các địa phương và đẩy trách nhiệm quyết định lên Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo nội dung kế hoạch thí điểm, các phương tiện tham gia thí điểm sẽ được dán logo riêng để phân biệt và quản lý. Nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, việc quản lý logo sẽ được giao về các Sở GTVT là cơ quan quản lý trực tiếp phương tiện, thông qua việc cấp phát logo nhận diện sẽ quản lý được số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Bộ GTVT đã giao cho các Công ty sở hữu phần mềm (như Uber, Grab,...) tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện.
Trước những hệ lụy trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng Bộ GTVT vẫn cố tình lờ đi không có bất cứ hành động nào để hạn chế tình trạng sai phạm trên. Báo cáo về một Kế hoạch thí điểm gửi đến Chính phủ liên quan đến các mặt của xã hội tại các thành phố và liên quan đến hàng triệu người lại hết sức sơ sài và căn cứ trên những con số báo cáo lý tưởng không kiểm chứng của Công ty GrabTaxi. Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi “liệu có lợi ích nhóm hay không?”.
Grab, Uber phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu cho cơ quan quản lý
Với những bất cập trên, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam. Bên cạnh đó, quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.
Trước khi có quy định quản lý chính thức, đối với xe thí điểm hợp đồng điện tử, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết và giao cho Sở GTVT địa phương in và cấp phát logo nhận diện.
Hiệp hội này yêu cầu các công ty kiểu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và không trái với thông lệ quốc tế. Cụ thể đó là phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT. Định kỳ các Công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục đường bộ và Sở GTVT nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.
Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, số lượng xe tham gia thí điểm đã vượt xa quá mức quy hoạch vận tải của địa phương. Chính vì thế, Bộ GTVT phải có văn bản khẩn cấp cho phép các địa phương được toàn quyền đưa ra các giải pháp giảm tải các xe tham gia thí điểm.
Đặc biệt, Hiệp hội cũng yêu cầu Grab, Uber phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe liên tục quá 4 tiếng, số lần vượt quá tốc độ, số cuốc thực hiện, doanh thu chịu thuế 20% phía Grab và Uber đang hưởng, còn 80% doanh thu thuộc về đối tác ... cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Sở GTVT...
(Theo PLO)
Ý kiến bạn đọc