(VnMedia) –
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, có thể tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu ở chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia vào các công đoạn giá trị gia tăng cao hơn.
Muốn bước lên cao hơn phải nâng cấp về kinh tế
Thông tin tại Hội thảo “Giới thiệu báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ - tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” cho thấy, hiện nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước thấp, do đó con số đóng góp ròng vào nền kinh tế của các doanh nghiệp FDI không cao như người ngoài nhìn vào.
Đơn cử, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam nhưng chỉ có 32% đầu vào từ nhà cung cấp hoạt động tại Việt Nam, trong khi đó so sánh với nguồn cung cấp địa phương từ Trung Quốc là 65%, Indonesia là 40%...
Theo ông Charles Kunaka- Chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng thế giới, liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước còn yếu.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện vẫn có cơ hội ngắn hạn để phát triển nhà cung ứng trong nước với các yêu cầu nội địa hóa, nhưng lâu dài chính sách cần được cải thiện mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: “Hiện nay Việt Nam đang đứng trước những cửa sổ cơ hội nhưng cửa sổ này đang thu hẹp nhanh”.
Ông Thắng cũng cho biết thêm, Việt Nam muốn bước lên cao hơn phải nâng cấp về kinh tế, kết nối các doanh nghiệp, tạo môi trường chính sách, thể chế để thúc đẩy. Đi cùng với nâng cấp về kinh tế phải nâng cấp về xã hội để người lao động là người được hưởng lợi cuối cùng.
Thiếu lao động có kỹ năng, cản trở phát triển tất cả các ngành
Theo bà Asya Akhlaque, Quyền Giám đốc Vụ Đông Á- Thái Bình Dương, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng thế giới, hiện tỷ lệ công ty nước ngoài sử dụng đầu vào trong nước còn khá thấp ở Việt Nam. Cùng với đó, tỷ lệ công ty trong nước có kết nối ở Việt Nam thấp hơn so với quốc gia tương đương, ví dụ như Trung Quốc, Malaysia.
Đưa ra nguyên nhân thất bại thị trường chính trong các chương trình kết nối, bà Asya Akhlaque cho rằng, đó là việc thiếu nhà cung cấp trong nước cạnh tranh. Điều đó khiến cho các công ty nước ngoài sẽ tìm kiếm ở nơi khác và kết nối với các công ty, có thể cung cấp một cách ổn định và kịp thời các đầu vào cần thiết cho sản xuất.
Một vấn đề nữa cũng được vị chuyên gia này đưa ra là, thiếu tiếp cận tài chính, gây rào cản kinh doanh hàng đầu của các công ty ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – truyền thông. Đặc biệt, cản trở lớn của tất cả các ngành đang hiện hữu hiện này là thiếu lao động có kỹ năng (nổi cộm là trong các ngành may mặc, dệt…).
Trong khi đó, khảo sát 28 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy, chính sách khuyến khích hành vi gắn với các chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có tính chung chung và không hướng đến các SME. Sử dụng cách tiếp cận vòng đời, thiếu giai đoạn khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu các chương trình hỗ trợ liên quan đến tiếp cận tài chính và tiếp cận thị trường. Các chương trình dường như chưa bền vững. Nhiều chương trình hoặc thiếu mục tiêu, không có mục tiêu cụ thể, có mục tiêu không đo lường được, ngân sách không phù hợp với đầu ra, hoặc thiếu tiêu chí để xác định mục tiêu.
Trước vấn đề này, bà Asya Akhlaque cho rằng, Việt Nam cần điều phối chính sách và tập trung vào công nghiệp hỗ trợ. Để làm được điều đó, các công ty đa quốc gia cần thu hút nhà cung cấp nước ngoài, thu hút công nghệ và kỹ năng từ nước ngoài, các chính sách ưu đãi thông minh, cần có cơ sở dữ liệu và kết nối với nhà cung cấp, có chương trình mục tiêu phát triển nhà cung cấp trong nước. Đặc biệt, Chính phủ là nhà quy hoạch, thúc đẩy và điều phối chiến lược.
Yến Nhi
Ý kiến bạn đọc