Doanh nghiệp khen chính sách nhưng phàn nàn về việc thu thuế

14:52, 20/09/2017
|
(VnMedia) - Số liệu khảo sát 2.000 doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam hàng năm cho thấy, ưu đãi thuế chính là 1 trong 4 lợi thế của Việt Nam cùng với những lợi thế khác như lực lượng lao động, chính sách, nhưng việc thu thuế và thay đổi chính sách thuế vẫn nhận được nhiều phàn nàn.
 
Nhà đầu tư FDI phàn nàn về chính sách thuế của Việt Nam
 
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tăng trưởng kinh tế dài hạn và bền vững thì cải thiện chất lượng quy định là cần thiết, nhưng sẽ không tác động ngay mà cần thời gian dài.
 
“Cải cách 1 thủ tục giúp giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, động lực nhà chính sách thường không chia sẻ vấn đề này nên chương trình cải cách thực hiện ở Việt Nam rất khó khăn”, ông Tuấn chia sẻ.
 
Theo Trưởng ban pháp chế VCCI, hiện thuế là vấn đề quan trọng tác động đến nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bằng chứng, số liệu khảo sát 2.000 doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam hàng năm cho thấy, ưu đãi thuế chính là 1 trong 4 lợi thế của Việt Nam cùng với những lợi thế khác như lực lượng lao động, chính sách, nhưng việc thu thuế và thay đổi chính sách thuế, hạ tầng và tham nhũng vẫn nhận được nhiều phàn nàn.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cũng theo ông Anh Tuấn, đề xuất tăng thuế là nằm trong gói tổng thể tái cơ cấu thu chi. Bên cạnh việc tăng thu cũng có giải pháp tái cơ cấu ngân sách, hạn chế tình trạng mặc cả thuế giữa 1 bộ phận doanh nghiệp và cán bộ thu thuế. Hay sửa đổi thông tư về giảm phí, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đơn giản hoá thủ tục...
 
Liên quan đến vấn đề tăng thuế, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) khẳng định: “Việc tăng thuế sẽ chưa được bàn đến và nếu thực hiện sẽ tiến hành đánh giá tác động kỹ lưỡng”.
 
Cũng theo ông Phương, vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước cũng đang được chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ. Trong tương lai, số lượng doanh nghiệp Nhà nước sẽ giảm dần.
 
Doanh nghiệp lo phải giảm quy mô vì phí
 
Liên quan đến chính sách thuế, phí, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, đây là hoạt động ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng kinh tế và ngân sách.
 
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Tuấn cho hay, từ đầu năm 2017, Hải Phòng có quyết định về việc thu phí bảo trì cảng biển, mỗi container hàng hóa sẽ chịu mức phí 20.000 đồng/tấn hàng rời nhập khẩu.
 
Trước quyết định này, một chủ doanh nghiệp Thái Nguyên đã liên tục gửi mail về VCCI phàn nàn về chính sách thu phí. Theo đó, doanh nghiệp này hàng năm nhập nhiều tàu lớn tại cảng Hải Phòng, sau đó chia nhỏ ra những tàu chạy đường sông, hầu như chỉ mất 2-3 ngày trên vịnh không tốn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một chuyến tàu như vậy hiện nay chịu khoảng 300-400 triệu tiền phí hạ tầng cảng biển.
 
Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh, hiện tại doanh nghiệp này có doanh số 800 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách đều đặn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chi phí tăng cao nên đang có kế hoạch giảm quy mô, thậm chí phải đóng cửa.
 
“Thu phí của Hải Phòng có thể lợi cho hạ tầng địa phương, nhưng đằng sau đó là năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp và giảm thu ngân sách hàng năm 30 tỷ đồng. Giữa con số 300 triệu tiền phí và 30 tỷ tiền thuế là khoảng cách rất lớn. Phí hạ tầng có thể mang lại lợi ích địa phương nhưng mang lại tổn phí cho hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia và doanh nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc